13/09/2012 11:07 PM
Việc quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua khá lỏng lẻo, tạo kẽ hở để các tổ chức, cá nhân trục lợi, gây thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách. Thực trạng này đòi hỏi thành phố phải có ngay giải pháp chấn chỉnh.

Ðịa điểm tại 16 phố Lãn Ông được Công ty dịch vụ tin học và thiết bị văn phòng cho tư nhân thuê để bán quần áo. ( Ảnh: ÐĂNG ANH )

Vi phạm tràn lan

Quận Hoàn Kiếm là địa bàn tập trung nhiều nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho các cơ quan, doanh nghiệp thuê, tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đã cho các cá nhân, tổ chức khác thuê lại diện tích này, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí... Cuối năm 2011, kiểm tra 42 địa điểm nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho doanh nghiệp thuê, UBND quận Hoàn Kiếm đã phát hiện 24 đơn vị có sai phạm dưới các hình thức như: hết thời hạn thuê, nhưng các đơn vị chưa ký hợp đồng thuê mới với cơ quan chức năng; nợ tiền thuê đất; cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại hưởng chênh lệch; thậm chí để cá nhân chiếm dụng làm nhà ở... Nhiều đơn vị để xảy ra vi phạm kéo dài như Công ty cổ phần thủy sản và dịch vụ tổng hợp được thuê 120 m2 đất công tại 98 phố Trần Nhật Duật (phường Hàng Buồm), nhưng chỉ sử dụng 20m2 làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100m2 còn lại công ty cho tư nhân thuê bán nước giải khát. Công ty dịch vụ tin học và thiết bị văn phòng tại 16 phố Lãn Ông (phường Hàng Ðào) cho tư nhân thuê toàn bộ diện tích tầng 1 để bán quần áo. Công ty nợ tiền thuê đất từ năm 1992 cho đến nay. Tại địa chỉ 47, 49 phố Hàng Buồm, hợp tác xã Hồng Quang đã tự ý bàn giao nhà, đất cho đơn vị khác khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, chưa làm thủ tục ký lại hợp đồng thuê nhà, để cho tư nhân chiếm dụng hơn 35m2 làm nhà ở. Tại khu đất gần một nghìn m2 của Công ty TNHH một thành viên In Ðường sắt tại địa điểm số 124-126 phố Lê Duẩn (phường Cửa Nam), đơn vị này cũng tự ý xây dựng nhà ở phân phối cho cán bộ, một phần diện tích cho tư nhân thuê...

Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê bao gồm: nhà chuyên dùng (nhà cải tạo, công tư hợp doanh, nhà tầng 1 tại các khu tập thể được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước...), nhà tầng 1, 2 các chung cư tái định cư và các khu nhà xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách... Trong đó, quỹ nhà chuyên dùng là 1.075 địa điểm với gần 190 nghìn m2 nhà, hơn 183 nghìn m2 đất; tuy diện tích nhỏ lẻ, nằm xen kẽ với nhà ở của người dân, nhưng có khả năng sinh lời lớn, phần lớn các địa điểm này có vị trí rất đắc địa, như nằm trên các tuyến phố trung tâm, khu vực đông dân cư, kinh doanh thuận lợi. Quỹ nhà chuyên dùng được thành phố cho các đơn vị thuê giá rẻ (80 nghìn đồng/m2/tháng), một mức giá rất thấp so với giá thị trường... Lợi dụng điều này, nhiều đơn vị đã chuyển nhượng, cho các đơn vị khác thuê lại nhà dưới hình thức liên doanh, liên kết để hưởng lợi từ khoản tiền chênh lệch, gây thất thu lớn cho ngân sách. Từ năm 2009 đến 2011, tổng số tiền cho thuê nhà chuyên dùng thành phố thu được chỉ hơn 270 tỷ đồng. Số tiền cho thuê hơn 45.700 m2 tầng 1, 2 nhà tái định cư chỉ hơn 50 tỷ đồng. Nhưng với cơ chế tài chính hiện nay, thành phố chỉ thu về gần 50 tỷ đồng/năm. Trong khi, hằng năm thành phố còn phải chi khoản kinh phí lớn để đầu tư, sửa chữa nhà, cho nên số tiền thực tế thu được vào ngân sách từ khối tài sản này còn thấp hơn nữa.

Bên cạnh việc thất thu ngân sách nhà nước, còn gần 350 địa điểm các đơn vị thuê nhà chưa ký lại hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, do đơn vị thuê nhà đã chuyển nhượng nhà thuê, cho thuê lại hoặc giao khoán cho cá nhân sử dụng, chuyển sang làm nhà ở, hoặc để bị chiếm dụng... gây lãng phí tài sản của nhà nước. Trong khi đó, nhiều nơi trên địa bàn thành phố hiện nay còn thiếu địa điểm sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non công lập...

Xử lý còn lúng túng

Hiện, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ quản lý tài sản nhà nước. Nhưng sự quản lý của đơn vị rất lúng túng, thiếu quyết liệt. Lãnh đạo đơn vị cho biết, khi phát hiện những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như cơi nới, xây dựng trái phép... công ty chỉ biết báo cáo chính quyền địa phương để đề nghị xử lý hoặc "nhờ" cảnh sát kinh tế can thiệp đối với những đơn vị cố tình nợ tiền thuê nhà. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến việc vi phạm không được xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật.

Ngày 5-9, tại cuộc họp về công tác giám sát quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, cơ quan này đã trình UBND thành phố xử lý, thu hồi 61 cơ sở nhà ở, đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, với tổng diện tích đất, nhà lần lượt là hơn 34.600 m2 và 34.700 m2. Tổng số tiền thu được từ việc sắp xếp, xử lý nhà đất dưới hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trung ương, địa phương là hơn 5.600 tỷ đồng. Hiện, sở đang tiếp tục kiểm tra hiện trạng và thực hiện phương án sắp xếp, xử lý đối với gần 120 địa điểm khác.

Quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước là nguồn tài sản lớn. Chính vì vậy, cần phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các đơn vị được thuê sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện nay, dẫn đến việc các đơn vị lợi dụng để kiếm lời, trong khi Nhà nước thất thu lớn. Các ban, ngành cần tiến hành rà soát, phân loại và đề xuất UBND thành phố ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ nhà trên vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. Những diện tích sử dụng sai mục đích cần bị truy thu tiền cho thuê sai quy định, tổ chức đấu giá thuê nhà. Ðối với những cán bộ liên quan đến sai phạm, cần xử lý nghiêm.

Theo Đắc Sơn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.