Ảnh minh họa
Trên thực tế, về mặt chức năng hệ thống sông hồ ở Việt Nam chưa phát huy hết vai trò điều hòa môi trường và điểm nhấn tạo nên bản sắc đô thị.
Quá trình đô thị hóa trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm đáng kể số lượng cũng như diện tích các ao hồ, sông trên địa bàn. Tại Hà Nội, khảo sát chưa đầy đủ cho thấy diện tích mặt nước bị thu hẹp tới 40%, cụ thể: hồ Đồng Tâm thu hẹp từ 12.000m2 còn khoảng trên 5.000m2; ao An Thành, bãi sông Hồng 8.000m2 cơ bản bị lấn hết từ đầu thập kỷ này. Ngoài ra, hàng chục ao hồ khác cũng bị thu hẹp như hồ Khương Đình và Đầm Hồng, các hồ ao Q.Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… bị lấn chiếm, thậm chí biến mất hoàn toàn.
Nhiều hồ ao được cải tạo cả tỷ đồng cũng bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Gần đây nhất là hồ Hoàng Cầu sau cải tạo xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên trước hết thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Thực tế là không gian mặt nước đô thị đang chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều đơn vị cơ quan, bộ ban ngành.
Đơn cử như tại Hà Nội, với 132 hồ hiện trạng ở 12 quận nội thành, diện tích khoảng 1924,5ha và 185 hồ ngoại thành… chịu sự quản lý cùng lúc của 12 đơn vị trực thuộc: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý toàn diện một số hồ trong công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Yên Sở và mực nước các hồ điều hòa trong nội thành; UBND quận, huyện quản lý các hồ theo địa giới hành chính trừ các hồ trong công viên do thành phố quản lý; Sở TN&MT quản lý về diện tích và quyền sử dụng đất; Sở KH&CN quản lý, bảo vệ môi trường; Sở QHKT thẩm định các dự án quy hoạch và cải tạo hồ; Sở NN&PTNT quản lý khai thác nuôi trồng thuỷ sản; Sở Công thương quản lý dịch vụ kinh doanh mặt hồ…
Cùng với hạn chế về quản lý là vấn đề quy hoạch. Các nội dung quy hoạch đô thị mới cơ bản chú ý tới việc phân lô, xác định ranh giới các ao, hồ trong đô thị một cách máy móc mà thiếu các quy hoạch chi tiết để có thể dự báo các phát sinh lấn chiếm, từ đó hoạch định những hành lang bảo vệ chống lấn chiếm. Tiếp sau, quy hoạch mới chỉ xem không gian mặt nước trong đô thị như là không gian công cộng đô thị đơn thuần, với các giải pháp quy hoạch thuần tuý, chưa phát huy được tính nghệ thuật để có thể làm bật lên vai trò điểm nhấn tạo bản sắc trong đô thị. Còn rất thiếu các thiết kế chuyên ngành để khai thác nhiều hơn lợi thế từ không gian mặt nước giúp giảm bớt những hiệu ứng bất lợi, tạo môi trường sống tiện nghi hơn cho dân cư lân cận.
Đã đến lúc cần hoàn thiện chương trình hành động với tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị bài bản, trong đó xác định rõ tầm quan trọng của không gian mặt nước trong đô thị cũng như hệ thống giải pháp đồng bộ từ khía cạnh pháp lý, quản lý nhà nước tới quy hoạch và cải tạo không gian mặt nước.