19/01/2014 5:53 PM
Không chỉ bị đầu độc bởi chất thải từ khu công nghiệp Tân Tạo, gần 16 năm qua, hàng chục ngàn mét vuông đất của 14 gia đình ở phường Bình Trị Đông B còn bị phung phí bởi các dự án (DA) “treo”. Họ đã mất đi nguồn thu nhập lớn.

Bà con phản ánh với phóng viên (bìa phải)

Mất tiền tỷ vì quy hoạch “treo”

Được ông bà để lại mảnh đất diện tích 1.989m2 ở xã Bình Trị Đông (nay thuộc khu phố 1, phường Bình Trị Đông B), nhiều năm liền, ông Trương Văn Tầm (SN 1956, ngụ 24, Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông) trồng lúa để nuôi gia đình. Từ năm 2003 trở đi, chất thải từ khu công nghiệp Tân Tạo, nhất là từ công ty Pou Yuang, khiến lúa không sống nổi. “Tôi muốn chuyển sang trồng những loại cây khác hoặc xây phòng trọ cho thuê thì chính quyền địa phương nói: “Đất quy hoạch, không được canh tác, xây dựng”. Tôi hỏi: “Quy hoạch sao không thông báo cho người dân biết?” thì họ không trả lời. Tôi xin các văn bản liên quan đến quy hoạch thì họ không đưa”, ông Tầm phản ánh. Năm 2004, ông Tầm được quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) mảnh đất trên.

Năm 1997, ông Nguyễn Đình Nguyệt (SN 1960, ngụ 460/2C, Kinh Dương Vương, khu phố 1, phường An Lạc) nhận sang nhượng 1.000m2 đất tại ấp 3 (xã Bình Trị Đông) để trồng lúa. Đất của ông nằm phía sau khu công nghiệp Tân Tạo. Mua đất được một thời gian, ông Nguyệt đến phường Bình Trị Đông B làm thủ tục tách thửa, làm thủ tục cấp GCNQSDĐ thì cán bộ phường, quận nói: “Đất anh nằm trong quy hoạch khu dân cư nên không làm thủ tục tách thửa”. “Nói quy hoạch nhưng 16 năm nay chúng tôi có thấy công trình nào mọc lên đâu? Lâu lâu, chúng tôi lại nghe “cò” đất rỉ rả “đất của bà con bị quy hoạch” chứ cũng không được cán bộ phường, quận mời họp để nói về điều này”, ông Nguyệt cho biết.

Tương tự, ông Trương Minh Thu (SN 1960, ngụ 934/2/4 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo) có 5.320m2 đất do ông bà để lại. Năm 2012, ông xin chuyển mục đích lên thổ vườn để trồng cây lâu năm nhưng quận Bình Tân chỉ cho trồng cây ngắn ngày như đu đủ, chuối..., một phần ông đào ao nuôi cá. “Do nạn trộm cắp hoành hành nên tôi xin cất chòi để giữ tài sản thì phường không cho. Quy hoạch thì chẳng thấy đâu nhưng hễ chúng tôi cất chòi là họ cho lực lượng xuống cưỡng chế, lập biên bản. Gần 16 năm qua, phường, quận cứ lặp đi lặp lại điệp khúc quy hoạch để “cột chân” chúng tôi. Mỗi năm chúng tôi không chỉ thất thu hàng tỷ đồng mà đất đai bị hoang hóa rất lãng phí”, ông Thu bức xúc.

Cũng với lý do quy hoạch mà hơn chục năm nay, gần 3.000m2 “đất vàng” của gia đình bà Trần Thị Dung (SN 1953, ngụ 621/1/2 tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B bị “ngâm” đến vàng đất. “Nhiều lần tôi lên ủy ban phường hỏi chủ trương sử dụng đất của chúng tôi thì không được cán bộ phường trả lời thỏa đáng. Trong khi ủy ban né tránh thì tôi được cán bộ đô thị phường, quận và nhân viên của công ty cổ phần đầu tư khu đô thị mới Sài Gòn (viết tắt là SAIGONNIC) mời lên thỏa thuận giá cả. Họ “vẽ” ra nào là đất của chúng tôi nằm trong kế hoạch xây bãi rác, khu xử lý chất thải... không thể sinh lợi, để ép chúng tôi nhận giá chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Tôi không hiểu vì sao những thắc mắc của chúng tôi không được ủy ban phường giải quyết mà đùn đẩy cho cán bộ đô thị và công ty SAIGONNIC? Lỡ sau này xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì ai chịu trách nhiệm?”, bà Dung thắc mắc.

Phường chỉ lên quận, quận thì… hẹn

Ngày 29-12-2013, chúng tôi đến phường Bình Trị Đông B để làm việc thì cán bộ Văn phòng phường cho biết: “Lãnh đạo đang bận họp”. Chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch phường Bình Trị Đông B cho biết: “Đất của bà con nằm trong quy hoạch DA công viên cây xanh và một lốc chung cư cao tầng do công ty SAIGONNIC thực hiện. Muốn có đất thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân, phường không thể đứng ra làm trọng tài cho chủ đầu tư và các hộ dân được. Dự án bị ngưng trệ là do việc thỏa thuận giá giữa chủ đầu tư và người dân chưa thống nhất”.

Chúng tôi hỏi: “Làm DA sao không thông báo với bà con?”. Ông Sơn nói: “DA này mới được phê duyệt tổng thể 1/500 nên chưa thông báo công khai trước dân. Khi DA chưa thực hiện thì người dân vẫn có quyền canh tác, nhưng không được xây dựng, tách thửa. Bà con được phép trồng cây gì, nuôi con gì, cất bao nhiêu cái chòi là thuộc thẩm quyền của quận. Phường chỉ có nhiệm vụ giám sát xem bà con làm đã đúng chưa. Việc quy hoạch và thực hiện DA tới đâu thì Phòng Tài nguyên Môi trường và Phòng Quản lý đô thị nắm”. Ông Thu và ông Tầm thắc mắc: “Nhiều lần chúng tôi làm đơn xin cất chòi nhưng cán bộ cho người đến cưỡng chế. Nếu 20 năm nữa, DA này vẫn chưa được phê duyệt, không lẽ đất chúng tôi vẫn bị bỏ hoang như vậy sao?”.

Chúng tôi liên hệ với quận Bình Tân để làm việc thì bà Hà Thị Hồng Năm, Phó Chánh văn phòng quận yêu cầu chúng tôi gửi công văn. Chúng tôi đến UBND quận Bình Tân xin gặp lãnh đạo để phỏng vấn, bà Lê Thị Hồng, Phó Chánh văn phòng quận cho biết: “Lãnh đạo quận đi công tác và bận họp nên không gặp được”. Bà Hồng yêu cầu chúng tôi ghi lại nội dung câu hỏi để trình lãnh đạo xếp lịch làm việc. Chúng tôi đã ghi nội dung phỏng vấn đưa cho bà Hồng. Ít hôm sau, bà Năm điện thoại cho chúng tôi yêu cầu cung cấp thêm danh sách, diện tích, số thửa đất các hộ dân bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ.

Ngày 3-1-2014, bà Năm điện thoại cho chúng tôi hỏi: “Các hộ dân có cung cấp cho phóng viên bản đồ vị trí, hiện trạng không? Nếu có thì yêu cầu phóng viên cung cấp cho quận, để quận tra cứu vì không có bản đồ vị trí hiện trạng nên anh em chưa tra cứu ra?!”. Ông Tầm bức xúc: “Chúng tôi cất một căn chòi, trồng vài luống cây, chỉ tích tắc quận đã biết. Đất của chúng tôi do quận cấp GCNQSD và đa phần được thừa kế từ cha ông bao đời nay, giờ quận nói tra cứu không ra thì quả là điều quá khó hiểu?!”. Chúng tôi hỏi: “Quận trả lời cho bên Báo CATP bằng văn bản hay để phóng viên đến phỏng vấn?”. Bà Năm cho biết: “Chưa có lịch làm việc cụ thể”.

Mười ngày sau, chúng tôi điện thoại cho bà Năm hỏi quận đã xếp lịch chưa thì vị cán bộ này trả lời: “Chưa xếp được”. Bà Năm nói sẽ thông báo với chúng tôi sau. Ngày 14-1-2014, bà Năm điện thoại cho chúng tôi: “Thường trực quận đã ủy quyền cho Phòng Quản lý đô thị để làm việc với phóng viên”. Chúng tôi hỏi: “Vậy khi nào làm việc được?”. Bà Năm nói: “Trưởng Phòng bên đó sẽ chủ động sắp lịch chứ bên em không xếp được”. Người dân kêu ca về thủ tục hành chính của không ít cơ quan quá rườm rà, cán bộ thì hết “hứa” lần này lại “hẹn” lần khác nên dân rất khổ sở. Qua việc liên hệ công tác tại quận Bình Tân, chúng tôi càng thấm thía hơn về nổi khổ của dân. Với nhiều lần lỗi hẹn, đến nay, chúng tôi vẫn chưa được làm việc với quận Bình Tân về những thắc mắc của bà con ở phường Bình Trị Đông B đặt ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ để làm việc và phản ánh với độc giả ngay khi có thể.

Hải Văn (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.