Theo đó, các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ quản lý BĐS cần kiểm tra kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch BĐS có “dấu hiệu đáng ngờ”. Tuy nhiên, điều đáng nói là, đến nay khi được hỏi, nhiều sàn giao dịch BĐS vẫn không hề biết gì về thông tư này.
Có tiền đâu mà rửa?
Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng về việc phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS, các tổ chức kinh doanh BĐS phải thành lập bộ phận hoặc bố trí con người chuyên trách để thực hiện các biện pháp về chống rửa tiền. Cụ thể, các tổ chức kinh doanh BĐS bố trí cán bộ hoặc thành lập bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền; thường xuyên rà soát thông tin về khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đã có nghi vấn tiến hành các hoạt động rửa tiền hoặc khách hàng có tên trong danh sách cảnh báo của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các sàn giao dịch BĐS; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS và dịch vụ quản lý BĐS phải xây dựng và ban hành, phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có trách nhiệm quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua để thực hiện các hành vi rửa tiền. Các tổ chức kinh doanh cần kiểm tra kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch BĐS có dấu hiệu đáng ngờ và có giá trị lớn như: Nguồn gốc tạo lập bất động sản, số lần thay đổi chủ sở hữu, tình trạng hồ sơ pháp lý; rà soát, sàng lọc các giao dịch có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu giao dịch đáng ngờ, tổ chức phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NHNN Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng
Tuy nhiên, trao đổi với giám đốc một số sàn BĐS lớn trên phố Hoàng Ngân, điều bất ngờ là nhiều người trả lời chưa hề nghe nói gì đến quy định mới này. Ông Hoàng Minh Long – Phó GĐ CTCP địa ốc C&T cho biết, đề xuất này của Bộ Xây dựng khó khả thi vì hiện nay rất nhiều giao dịch không qua sàn, chủ yếu là giao dịch ngầm dân sự, có những hợp đồng nếu ở giai đoạn đổi tên được ngay từ chủ đầu tư thì họ đã đổi ngay rồi, còn nếu không đổi được tên thì họ lại ký hợp đồng ủy quyền theo Nghị định 71/CP. “Mà nếu như vậy ai biết được giao dịch ấy có phải là rửa tiền hay không rửa tiền? Mặt khác, các sàn BĐS khi lập bộ phận chuyên trách về phòng, chống rửa tiền thì họ được lợi gì, nếu không nói là nhiều khi còn làm mất khách” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT - TGĐ CTCP đầu tư và phân phối DTJ - thì cho rằng, ở thời điểm này quan ngại ấy hơi sớm vì thị trường BĐS đang im ắng, các giao dịch trong tình trạng đóng băng thì có tiền đâu mà lo rửa tiền. “Về lâu dài, việc ban hành các quy định về phòng, chống rửa tiền qua BĐS là cần thiết, góp phần làm minh bạch hóa thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm phát hiện của các sàn giao dịch BĐS về hoạt động rửa tiền thì khó vì họ hoàn toàn không có kỹ năng - nghiệp vụ gì về vấn đề này” - một giám đốc sàn BĐS khác trên đường Lê Văn Lương kéo dài bày tỏ quan điểm.
Ảnh: Internet.
Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các sàn giao dịch, Cty địa ốc cũng có những lợi ích riêng nên chưa hẳn họ sẽ tuân thủ nghiêm việc báo cáo, phát hiện trong phòng, chống rửa tiền qua BĐS. Do đó, cơ quan chức năng phải chủ động thu thập thông tin để phát hiện các giao dịch có dấu hiệu rửa tiền, điều tra nguồn gốc tiền, không nên trông chờ quá nhiều từ các sàn giao dịch BĐS hay các Cty địa ốc
Mặt khác, TS Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, còn khá nhiều dấu hiệu giao dịch đáng ngờ về việc rửa tiền qua BĐS vẫn chưa được đưa vào thông tư hướng dẫn. Đó là tình trạng nhà, biệt thự bỏ hoang như ở Hà Nội. Cơ quan chức năng cần tìm hiểu xem chủ sở hữu là ai, ở tỉnh nào, vì sao bỏ hoang và tỉ lệ bao nhiêu... “Nếu không minh bạch được các thông tin này, đó có thể là dấu hiệu rửa tiền. Một cách xử lý là công khai tên tuổi chủ sở hữu của các sản phẩm đáng ngờ đó” - ông Liêm đề xuất.
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, để việc kiểm soát phòng, chống rửa tiền qua BĐS hiệu quả cần phải làm từ gốc, có nghĩa là phải làm ngay từ khi phát hiện ra các triệu chứng như khi có tình trạng một tổ chức hay cá nhân mua một lúc hoặc trong một khoảng thời gian từ 5-7 sản phẩm BĐS, cơ quan quản lý phải điều tra xem nguồn gốc của số tiền, có phải là tiền từ hoạt động phi pháp mà có hay không. “Cơ quan quản lý cũng có thể lập một trang web liên thông với tất cả các Cty, sàn giao dịch BĐS. Và những giao dịch trong ngày đều được công khai trên mạng, giống như TTCK để cơ quan nhà nước dễ dàng kiểm tra. Việc công khai các giao dịch là rất quan trọng”- ông Liêm nói.