16/11/2015 9:15 PM
Chất lượng một số công trình xây dựng và giao thông chưa đảm bảo là những thực tế còn tồn tại trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội một số nội dung chủ yếu về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã tập trung hoàn thiện pháp luật đổi mới công tác tuyên truyền. Tăng cường quản lý phương tiện, đăng kiểm, kinh doanh vận tải. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Tập trung đầu tư xây dựng, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Tổ chức giao thông hợp lý, xóa điểm đen, hoàn thiện hệ thống biển báo, thiết bị an toàn giao thông. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Việc kiểm soát tải trọng phương tiện đạt kết quả khá, lượng xe quá tải giảm.
Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội cho thấy, chất lượng một số công trình giao thông còn chưa đảm bảo, nhanh xuống cấp. (Ảnh: KT)
Đáng chú ý là tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ giảm từ 44.500 vụ năm 2011 còn 21.900 vụ năm 2015; số người chết giảm từ 11.400 người còn 8.700 người; số người bị thương giảm từ 48.700 người còn 19.900 người. Số người chết giai đoạn 2011 - 2015 giảm 21% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Việc triển khai Đề án tái cơ cấu GTVT và các đề án tái cơ cấu chuyên ngành. Cơ bản hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT. Rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án với mục tiêu phát triển thị trường, kết nối hài hòa, phát huy thế mạnh của các phương thức vận tải. Đẩy mạnh xã hội hóa vận tải, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Xếp hạng về năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông và hoạt động logistics của Việt Nam tăng.
Hoàn thành trước thời hạn các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Triển khai giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu dân sinh; đã hoàn thành 187 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được trên 131.000 km đường giao thông nông thôn.
“Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; chưa khắc phục tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Công tác quản lý về kinh doanh vận tải và phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; các phương thức vận tải chưa được kết hợp tốt. Chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
Quản lý xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều sai phạm
Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực vực xây dựng đã được triển trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nhất là nhà ở xã hội.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành xây dựng cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên phạm vi cả nước. Cơ cấu sản phẩm nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, nhiều dự án nhà ở thương mại đã được chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
“Một số chương trình, dự án phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc tăng từ 17,5 m2 năm 2010 lên 22 m2 năm 2015. Tồn kho bất động sản đến nay giảm khoảng 54% so với đầu năm 2013. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đến tháng 9/2015 đã cam kết cho vay trên 20.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68,1%) và đã giải ngân trên 12.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 41%)”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án, công trình xây dựng. Điều chỉnh thanh toán, xuất toán, thu hồi các khoản chi không đúng quy định; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Đã sửa đổi, bổ sung hơn 13.000 định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc lập đơn giá, quản lý chi phí và thanh, quyết toán công trình.
Đã ban hành Nghị định về Quản lý đầu tư phát triển đô thị. Rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị; triển khai các quy hoạch phân khu theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn. Quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch ở nhiều địa phương còn yếu kém. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn gây nhiều bức xúc./.
Nguyễn Quỳnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.