Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện riêng với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.
. Phóng viên: Sau gần bốn năm thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp (NN), nông dân (ND), nông thôn (tam nông), là một chuyên gia có nhiều góp ý trong lĩnh vực đất đai, bà có nhìn nhận gì?
+ Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Một trong những vấn đề nổi cộm nhất về đất đai trong thời gian qua là phần lớn chính sách đất đai thiên về lợi ích kinh tế. Trong đó, tư tưởng xuyên suốt vẫn là lấy đất NN chuyển sang mục đích thương mại phục vụ cho phát triển công nghiệp (CN).
. Vậy người ND bị ảnh hưởng như thế nào từ chính sách đất đai nặng về kinh tế như bà nói?
+ Nhìn vào tỉ trọng đầu tư năm 2010-2011, đầu tư cho NN giảm chỉ còn 6,7% trong tổng đầu tư toàn xã hội. Thử hỏi đến bây giờ, tất cả đề xuất về quy hoạch lại đất đai cho NN Nhà nước chấp nhận được bao nhiêu và làm được những gì? Ngay như câu chuyện dồn điền đổi thửa hầu hết đều là sáng kiến của địa phương trong một quy mô nhỏ, manh mún. Chính sách đối với kinh tế trang trại cuối cùng cũng chưa đâu vào đâu cả. Gần đây nhất là phát triển mô hình cánh đồng mẫu và cánh đồng mẫu lớn cũng là sáng kiến đơn lẻ của địa phương (An Giang) và cũng chỉ ở mức thí điểm.
Trong khi đó, NN không hề làm được câu chuyện tích tụ đất đai như cách của CN lấy đất dễ dàng hình thành hàng trăm khu công nghiệp (KCN). Nhưng lạ ở chỗ KCN mọc lên như nấm nhưng chỉ khai thác được chừng 50%, trong 50% này có nhiều khu chỉ khai thác được 20%-30% còn lại đất bỏ hoang.
. Có một thực tế trong việc thu hồi đất hiện nay là Nhà nước bồi thường cho người dân một cục tiền rồi bỏ mặc họ, dẫn đến không ít bi kịch cho người ND mất đất?
+ Câu chuyện thu hồi đất NN ở NT cũng tương tự như việc bồi thường giải tỏa ở đô thị. Trên giấy tờ đều có chính sách nói rằng đảm bảo cho cuộc sống của người dân tốt hơn hoặc bằng với trước khi thu hồi đất. Nhưng vấn đề cuộc sống tốt hơn này không phải là chuyển từ một ngôi nhà cũ chật chội sang ngôi nhà mới rộng rãi hơn hay chỉ đơn giản là giao cho người dân một cục tiền là xong.
Cái chính là làm sao để cuộc sống của người dân gắn với công ăn việc làm ổn định, học hành, các dịch vụ kèm theo. Đối với người ND quan trọng là nghề nghiệp để sinh sống lâu dài cho bản thân họ và cho cả các thế hệ trong gia đình họ. Còn để đảm bảo cuộc sống của người ND bằng một cục tiền bồi thường rồi bỏ mặc họ như vừa qua thì không những cuộc sống của họ không tốt hơn mà đã có không ít thảm cảnh, tệ nạn xã hội nảy sinh từ việc có một khoản tiền lớn bất chợt như thế mà không biết cách chi tiêu.
. Nhưng Nhà nước cũng đã có các chính sách về đào tạo nghề, tạo việc làm mới để đảm bảo cho người ND bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng so với trước khi bị thu hồi đất. Tại sao lại ít hiệu quả, thưa bà?
+ Những chính sách này trên giấy tờ có đề ra nhưng lại thiếu công cụ thực hiện. Cách đề ra rất lỏng lẻo và không có sự ràng buộc người lấy đất về nghĩa vụ tạo việc làm mới cho người bị mất đất, cũng không có ràng buộc đối với chính quyền địa phương trong việc giám sát tổ chức đào tạo việc làm mới cho ND.
Tôi cho rằng nếu chính quyền địa phương không trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm đào tạo việc làm mới cho ND thì phải giám sát DN thực hiện việc này. Nếu không có cam kết nào từ phía DN thì cũng là lỗi của chính quyền địa phương khi cấp phép giao đất cho DN đầu tư mà không nghĩ đến số phận người ND. Như vậy còn tệ hơn và cho thấy chính quyền chỉ biết nghĩ đến mối lợi có được từ đất này biến thành KCN, mang lại GDP tăng lên, mức độ CNH cho tỉnh nhà để báo cáo với cấp trên mà không nghĩ gì cho người ND.
. Vậy theo bà để khắc phục những hạn chế này, đảm bảo cho người ND bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước thì cần phải làm gì?
+ Để thực hiện tuyên ngôn này, đòi hỏi phải có những công cụ mạnh hơn. Đó là chính sách cưỡng chế thi hành đối với cơ quan nhà nước, cả DN và những người nhận đất có liên quan nếu thực hiện không đúng các cam kết trong thu hồi đất hoặc thu hồi đất rồi bỏ hoang. Đồng thời, thu hồi đất phải gắn liền với đào tạo nghề mới cho ND. Kế hoạch đạo tạo nghề phải có trước và được thực hiện trước khi thu hồi đất nếu không thì khoan hãy nói đến chuyện lấy đất chứ không thực hiện quy trình ngược như hiện nay. Cứ cho rằng trong 100 ND bị thu hồi đất không phải ai cũng có khả năng học nghề mới thì chí ít phải làm sao để 50 người ND được đào tạo công việc mới.
Tôi mong là quy hoạch về đất đai của chúng ta sau này toàn diện hơn, phải gắn với số phận của người ND chứ không chỉ gắn với phát triển. Nói cho cùng thì mọi phát triển đều phải lấy con người làm trung tâm mà trước hết chính là nhưng người sinh sống tại mảnh đất ấy đã.
. Xin cảm ơn bà.