Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về hiệu quả và thực tế triển khai những giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu mọi người dân được cải thiện về nhà ở, đặc biệt là người nghèo và người có thu nhập thấp.
Đã có 208 khách hàng hộ gia đình vay
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, kết quả rà soát của các địa phương về nhu cầu nhà ở, hiện nay và đến 2015 trong khu vực đô thị cả nước cho thấy còn khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở và 1.715.000 công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động KCN cần phải xây dựng 700.000 căn hộ.
Một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) rất lớn như: Hà Nội cần hơn 110.000 căn; TP.HCM 134.000 căn; Bình Dương 104.000; Đồng Nai 95.000 căn…
Như vậy, nếu nhìn vào nhu cầu về NƠXH, so sánh với gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng thì vẫn còn là con số rất ít. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ. Vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, người dân.
Tính đến 13/8/2013, trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ngoài các chủ đầu tư có dự án đang được xem xét cho vay vốn thì các ngân hàng đã cho 208 khách hàng hộ gia đình vay với số tiền trên 49 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã nhận được nhiều hồ sơ của doanh nghiệp, người dân và đang tích cực tiến hành việc thẩm định để cho vay. Như vậy, bước đầu đã tạo được niềm tin, nguồn động lực nhất định cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu cho người dân mua nhà.
Lo chỗ ở chứ không lo sở hữu nhà cho dân
Hiện cả nước có khoảng 167 dự án NƠXH đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn. Một số dự án NƠXH cũng đồng loạt được khởi công xây dựng như: Dự án của HUD ở Tây Nam Linh Đàm - Hà Nội với quy mô trên 1.000 căn; dự án của Viglacera ở Đặng Xá với quy mô 2.500 căn; dự án NƠXH tại Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng… Đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội với quy mô 34.000 căn. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương trọng điểm có nhiều dự án BĐS rà soát lại các dự án phát triển đô thị và tiến hành phân loại, dự án nào được tiếp tục triển khai, dự án nào cần tạm dừng, dự án nào cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh quy hoạch những khu ĐTM rộng hàng trăm ha, có đầy đủ hạ tầng để phát triển NƠXH. Trước mắt, sử dụng quỹ đất 20% trong các KĐTM để xây NƠXH, nhưng về lâu dài phải quy hoạch các khu có quy mô lớn, cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nguồn cung NƠXH đang được đẩy mạnh, gói tín dụng 30.000 tỷ đang được triển khai. Với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Hiện nay, theo quy định nhà thu nhập thấp từ 30 m2 - 70m2 và có hạ tầng đầy đủ. Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp như KĐTM Đặng Xá của Viglacera.
Với những đối tượng chưa có khả năng mua NƠXH, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. "Bộ đang tính toán làm sao để các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng và giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm” – Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay.
"Mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm” – Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định.
Minh Trang (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.