03/12/2013 8:20 AM
Để người dân có thể đóng tiền phạt thay vì phải tháo dỡ công trình vi phạm như quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đang dự thảo một barem các “chuẩn” nhằm xác định giá trị các khoản tiền chủ công trình vi phạm phải chi…
Ảnh minh họa: Internet
Hợp thức hóa “phạt cho tồn tại”
Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản… đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/11/2013. Nghị định này từng gây xôn xao dư luận với quy định “phạt cho tồn tại” trong việc xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng.
Cụ thể, quy định “phạt cho tồn tại” được áp dụng đối với các công trình xây dựng đáp ứng các điều kiện gồm không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng.
Số tiền nộp phạt “chuộc vi phạm” để không bị tháo dỡ được tính bằng 40% giá trị diện tích vi phạm đối với công trình nhà ở riêng lẻ, 50% diện tích vi phạm đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thầm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng giải thích, quy định “phạt cho tồn tại” này xuất phát từ thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, khi xuất hiện những công trình xây dựng vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể tháo dỡ vì nhiều lý do. Thay vì việc cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được, không thu được khoản tiền nào trong khi chủ đầu tư chây ì, thì nay, đối với những công trình “chấp nhận được”, đáp ứng điều kiện như trên, việc “đổi” vi phạm bằng tiền, nếu thực hiện minh bạch, được coi là “nhất cử lưỡng tiện”: nhà nước thu hồi được một khoản tiền, chủ đầu tư cũng được giữ lại phần xây dựng để đàng hoàng sử dụng, không còn trong trạng thái nơm nớp vì trong tình trạng “treo” vi phạm.
“Mở” hướng xử lý vi phạm
Trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 121/2013/NĐ-CP mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ này đã đưa ra cách xác định giá trị phần xây dựng sai phép, xây dựng không phép, xây dựng sai thiết kế được duyệt, xây dựng sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt để nộp tiền “phạt cho tồn tại”. Theo đó, giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số m2 vi phạm nhân với giá tiền 1m2 nhà do UBND cấp tỉnh ban hành đối với cấp nhà được áp dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với công trình xây dựng không phép, sai phép được chia làm hai trường hợp. Nếu công trình có mục đích kinh doanh thì giá trị phần vi phạm tính bằng số m2 vi phạm nhân với giá 1 m2 tại hợp đồng mua bán đã ký. Trường hợp công trình không có mục đích kinh doanh, cách tính là lấy diện tích vi phạm nhân với giá tiền 1 m2 theo dự toán được duyệt.
Theo nhận định của ông Hoàng Thịnh – chuyên gia xây dựng, đây là phương án khá “mềm mại”, bởi bảng giá UBND cấp tỉnh ban hành được coi là tương đối tượng trưng so với giá trị thị trường. “Việc đưa ra điều kiện để hợp thức hóa vi phạm như tại nghị định này còn mở ra hướng xử lý cho nhiều công trình, đặc biệc là các chung cư thương mại, trong trường hợp các khu chung cư này đáp ứng được điều kiện trên nhưng từ trước đến nay không thể xin cấp sổ đỏ cho người dân được do những vi phạm trong xây dựng” – ông Thịnh bình luận.
Còn anh Nguyễn Vinh Quang – một khách hàng chung cư khu vực Tây Hồ (Hà Nội) thở phào, vì “chiếu theo các quy định thì khu chung cư anh ở có triển vọng sẽ cấp được sổ đỏ trong tương lai không xa”…
Bách Nguyễn (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.