04/01/2024 4:01 PM
Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi đóng vai trò hạt nhân trong việc hình thành mạng lưới đô thị trên địa bàn. Đặc biệt, La Gi sẽ chuyển mình để là thành phố thứ 2 của Bình Thuận.

Mạng lưới đô thị của tỉnh Bình Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung quy hoạch được duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết, 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV gồm Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu;

11 đô thị loại V gồm Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài, Phú Quý.

TP. Phan Thiết và thị xã La Gi được xác định sẽ là “hạt nhân” trong mạng lưới đô thị của tỉnh Bình Thuận.

Một góc TP. Phan Thiết

Cụ thể, Phan Thiết là đô thị loại II (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì nâng cấp thành đô thị loại I sớm hơn so với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tỉnh đã đề ra).

Thành phố Phan Thiết phát triển trên cơ sở mở rộng không gian về phía Bắc trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và phía Tây trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, bao gồm hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết.

Thành phố Phan Thiết là đô thị trung tâm của Tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là vùng đô thị động lực, trung tâm giao lưu, kết nối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên.

La Gi đang chuyển mình lên thành phố

Trong khi đó, Thị xã La Gi là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II theo quy định hiện hành).

Thị xã La Gi là đô thị động lực của Tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng.

Những đơn vị hành chính nào sẽ được sắp xếp?

Theo quy hoạch giai đoạn 2023 – 2025, Bình Thuận sẽ không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, trong giai đoạn này sẽ có 8 đơn vị phải sắp xếp gồm: Phường Lạc Đạo, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Bình Hưng, Hưng Long, Thanh Hải và xã Tiến Lợi, Phong Nẫm (TP. Phan Thiết).

Trong giai đoạn 2026 – 2030, sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Phường Phú Trinh (Phan Thiết), phường Phước Lộc (La Gi), thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân), xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong).

Bình Thuận sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế

Một dự án nghỉ dưỡng ven biển Bình Thuận

Bình Thuận là địa phương nằm khu vực duyên hải Nam trung Bộ với diện tích tự nhiên 7.943,93 km2, dân số khoảng gần 1,3 triệu người.

Bình Thuận tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng về phía Bắc, giáp Ninh Thuận về phía Đông Bắc, giáp Đồng Nai về phía Tây, giáp Bà Rịa – Vũng Tàu phía Tây Nam và giáp biển Đông về phía Đông và Nam.

Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng khi có đường bờ biển kéo dài với hàng loạt bãi tắm nổi tiếng.

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, đến năm 2030, Bình Thuận sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.

Hiện nay, dọc các khu vực ven biển của Bình Thuận như Mũi Né, Phan Thiết, Kê Gà, La Gi… đã và đang mọc lên hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, Bình Thuận còn có lợi thế về phát triển khu công nghiệp, năng lượng điện gió, ngành đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nông nghiệp…

Bình Thuận cũng có mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển với các tuyến huyết mạch gồm quốc lộ 1, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, sân bay Phan Thiết đang xây dựng…

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.