Sáng 1/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý đất đai dài hạn tại Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến hiệu quả quy hoạch và chiến lược sử dụng đất cũng như bày tỏ lo ngại về thực trạng mất đất nông nghiệp đang diễn ra.

Đất nông nghiệp dần bị thu hẹp vì các dự án xây khu đô thị, khu công nghiệp

Mỗi cấp quyết một kiểu

Sau khi có Luật Đất đai, công tác quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất đai được thực hiện ở 4 cấp hành chính: Cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nhưng do quá trình quản lý phát triển kinh tế - xã hội chưa khớp nối, điều tiết được hoạt động sử dụng đất đai của các bộ, ngành và các địa phương, dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung. TS. Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu thực tế có quy hoạch vừa làm xong đã xin bổ sung, hoặc chuyện quy hoạch không có tính khả thi. “Nhiều khi quy hoạch mang tính hình thức, như xã xây dựng nông thôn mới không theo kế hoạch sử dụng đất của huyện, có khu công nghiệp nhà đầu tư không vào, nhưng nhiều chỗ không quy hoạch thì chủ đầu tư lại xin bổ sung và chỉ bằng một văn bản xin bổ sung lại được chấp thuận” - ông Lưu Văn Thịnh, Tổng cục Đất đai cho biết.

TS. Huỳnh Đăng Hy - Hội Kiến trúc đô thị Việt Nam lấy ví dụ về sự “giải quyết vội vã” của chính quyền các địa phương trong việc phê duyệt 772 dự án với diện tích 75.659ha đất cho các chủ đầu tư trong khoảng thời gian trước khi Hà Nội mở rộng đã phá vỡ quy hoạch được phê duyệt trước đó. Hoặc một số địa phương ở Đồng bằng sông Hồng bố trí quá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên đất lúa, dọc quốc lộ; có tỉnh lại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp nhiều đến nỗi nếu được xây dựng đúng như quy hoạch, thì số công nhân ở các khu công nghiệp tập trung sẽ bằng nửa dân số của tỉnh. Hay có những địa phương đất nông nghiệp màu mỡ lại được quy hoạch biến thành khu nghỉ dưỡng… Tình trạng này sẽ dẫn đến “quy hoạch một đằng, thực tế một nẻo” và hệ quả là quy hoạch sẽ gây lãng phí, gây hại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Tỉnh, thành nào cũng có nhiều loại quy hoạch (từ thủy lợi, giao thông, đô thị, điện, khu công nghiệp…), mà quy hoạch nào cũng là sử dụng đất, nhưng số liệu lung tung lắm, lộn xộn lắm. Nên có đề tài cấp Nhà nước về quy hoạch tổng thể để “đỡ lãng phí tiền Nhà nước” - TS. Huỳnh Đăng Hy đề xuất.
Lo mất đất nông nghiệp

Số liệu của Bộ NN&PTNN, Bộ TN&MT cho thấy, từ năm 2000 trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 74.000ha mà chủ yếu là đất trồng lúa (chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn quốc), bị chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng... “Đây là xu hướng cần cảnh báo, bởi kể cả trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế nông nghiệp vẫn được xác định là thế mạnh nổi trội so với nhiều nước khác” - TS. Vũ Năng Dũng - Hội Khoa học đất Việt Nam nhấn mạnh và đề xuất: “Từ nay phải cân nhắc chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp vì áp lực gia tăng dân số trong tương lai sẽ phải mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, nước biển có thể dâng cao thêm, những vùng đất trũng ở Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, vùng ven biển miền Trung sẽ bị ngập, diện tích đất trồng lúa có thể bị thu hẹp. Do đó, cần xây dựng chiến lược giãn dân và phát triển kinh tế từ vùng đồng bằng lên trung du theo suốt chiều dài đất nước; xây dựng chiến lược sử dụng đất theo các lưu vực sông lớn để đảm bảo sự phát triển bền vững cả về kinh tế và môi trường; chiến lược sử dụng đẩy mặn, khô hạn, đất dốc...”.

TS. Nguyễn Thị Minh Châu - Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải là quy hoạch không gian dài hạn, phải vài chục đến 100 năm, mà loại đất nào làm cho mục đích gì thì phải kiên quyết giữ. “Biến đổi khí hậu sẽ gây ngập 10-15% đất, vậy tại sao không đưa phần đất này vào quy hoạch và có nên nghiên cứu trồng lúa trên nước lợ hay không?” - TS. Nguyễn Thị Minh Châu nhấn mạnh.
Thanh Lộc (Giao thông vận tải)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.