Thông tin Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét việc thành lập Ngân hàng Xây dựng như ý kiến của Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Để có thể đánh giá sự cần thiết và chức năng của ngân hàng này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Phạm Sỹ Liêm: Ngân hàng xây dựng là một nội dung của tái cấu trúc ngân hàng
Ông Phạm Sỹ Liêm - Ảnh Thoa Nguyễn
TBKTSG Online: Mới đây, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất việc thành lập Ngân hàng Xây dựng của Hiệp hội bất động sản Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


- Ông Phạm Sỹ Liêm: Nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, hay kinh doanh những hàng hóa, vật liệu xây dựng là nguồn vốn lớn và cần trong thời gian dài. Trong khi đó, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản của các doanh nghiệp tại Việt Nam lại phần lớn là dựa vào ngân hàng. Chính vì thế, khi chính sách tiền tệ có sự thay đổi, thị trường bất động sản liền bị tác động


Thị trường bất động sản đang phát triển phồn vinh, đi lên sẽ không bộc lộ hết nhược điểm. Nhưng, lúc thị trường trầm lắng là lúc mà chúng ta phải nghĩ cách để tăng thêm sức mạnh hay là cải tiến cơ chế hoạt động hay hoàn thiện thể chế thị trường. Tại thời điểm khó khăn như hiện nay, thị trường đang lộ ra những yếu kém và chúng ta thấy đây cơ hội để hoàn thiện thể chế thị trường. Và Ngân hàng Xây dựng cũng có thể xem là một yếu tố để hoàn thiện thể chế thị trường.


Việt Nam cũng có một số ngân hàng hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) cũng có chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp theo diện chính sách… Vậy việc thành lập thêm một ngân hàng xây dựng thời điểm này liệu có đặt ra áp lực cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - một trong những việc mà Chính phủ đang đẩy mạnh?


Ông Liêm cho rằng sẽ rất khó và không thể hình thành một quỹ tiết kiệm nhà ở trên cả nước. Vì không lý gì người ở Cao Bằng mà đóng tiền vào quỹ này để giúp người ở Hà Nội mua nhà bởi chỉ những người ở Hà Nội hay những thành phố lớn là những người có nhu cầu cao về nhà ở. Quỹ không kích thích được người dân tham gia khi họ không thể nhìn thấy quyền lợi của mình khi bỏ tiền ra để đóng góp vào một quỹ tiết kiệm trên cả nước.

Trung Quốc cũng đã sử dụng quỹ này nhằm hỗ trợ người có nhu cầu mua nhà. Nhưng phạm vi của quỹ chỉ là tại từng đô thị thay vì trên toàn quốc như chúng ta đề ra. Chính vì thế, quỹ đã có tác động rất tốt đến các hộ dân.

Như vậy, việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở không hợp lý. Các cơ quan mới đề xuất việc thành lập quỹ mà chưa thấy tổ chức việc đánh giá mức độ hợp lý và tính khả thi của quỹ này.

- Việc thành lập Ngân hàng Xây dựng không phải là đặt áp lực cho việc tái cấu trúc ngân hàng, mà là một nội dung đặt ra cho việc tái cấu trúc. Bởi vì tái cấu trúc là để hoạt động ngân hàng hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Chính là việc xã hội cần có một ngân hàng với chức năng như thế thì tái cấu trúc như thế nào để phù hợp với nhu cầu.



Đối với bất động sản, chúng ta cần chính sách thống nhất như chính sách giá, chính sách tài trợ, cho vay bên cung, cho vay bên cầu. Tuy nhiên, hiện tại mỗi ngân hàng, những chính sách đối với việc thực hiện cho vay với mục đích liên quan đến nhà đất cho cùng những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn lại khác nhau.


Chính vì thế, việc thành lập Ngân hàng Xây dựng sẽ tạo cơ hội cho việc xây dựng chính sách thống nhất đối với bất động sản của quốc gia, thay vì có nhiều mức lãi suất khác nhau ở việc cho vay phát triển nhà đất tại nhiều ngân hàng như hiện nay.


Nếu được thành lập, theo ông, ngân hàng này sẽ thực hiện huy động vốn từ những nguồn nào?


- Khi được triển khai, nhiệm vụ chính của ngân hàng này sẽ đóng góp vào sự phát triển và thực hiện quy hoạch đô thị, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng nên Chính phủ cũng cần tham gia vào hoạt động của ngân hàng này.


Ngoài ra, các ngân hàng khác có thể góp vốn vào. Bởi, ví dụ trước nay, các ngân hàng cũng thực hiện cho vay nhằm thực hiện việc kinh doanh bất động sản và những ngành hàng liên quan. Tuy nhiên, các ngân hàng không chuyên về lĩnh vực bất động sản nên có thể góp vốn để ngân hàng xây dựng thực hiện nhiệm vụ chuyên trách của mình.


Ngoài ra, cũng có thể huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân như những ngân hàng thông thường.


Theo ông, ai sẽ là người chịu trách nhiệm điều hành là hợp lý nhất?


- Trước đây, chúng ta có ngân hàng phát triển chuyên thực hiện cho vay những khoản lớn để đầu tư xây dựng nhà máy, đầu tư các dự án bất động sản và các hạ tầng. Để tận dụng những am hiểu trước kia vào việc điều hành ngân hàng này thì trước mắt nên giao cho nhà nước thực hiện quản lý và điều hành. Sau này, nếu ngân hàng hoạt độn tốt, có thể thực hiện cổ phần hóa.


Liệu việc thành lập ngân hàng xây dựng thời điểm này sẽ giúp thị trường bất động sản ấm trở lại?


- Ngân hàng Xây dựng không phải sinh ra là để cho vay, với bất kỳ những hợp đồng vay vốn nào liên quan đến nhà, đất mà sẽ xem xét những dự án nào sinh lời thì mới có thể cho vay. Có chăng, chính là việc khi được thành lập, doanh nghiệp sẽ có thêm một kênh để tiếp cận gần hơn với nguồn vốn - điều mà họ đang cần để thực hiện dự án.


Tuy nhiên, để có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng, trong trường hợp những dự án nào đang ế ẩm, xây nửa chừng rồi bị ngắt vốn, các chủ đầu tư có thể chuyển đổi dự án kinh doanh những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân thay vì là đầu tư vào những dự án cao cấp, từ đó có thể nhìn thấy khả năng bán tới tay người có nhu cầu. Khi đó, ngân hàng mới có thể mở hầu bao cho vay bởi ngân hàng không phải không có nhu cầu cho vay, mà rất có nhu cầu, nhưng chỉ khi nhìn thấy lợi nhuận từ dự án, tính khả thi trong giao dịch thì mới chấp nhận cho vay.


Xin cảm ơn ông!

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.