Ðể phục vụ công tác tái định cư (TÐC) các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công các dự án lớn trên địa bàn thành phố, năm 2004, thành phố khởi công xây dựng khu TÐC Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).

Ðây là khu TÐC lớn nhất, hiện đại nhất trên địa bàn Thủ đô, gồm có 31 tòa nhà cao từ 9 đến 17 tầng với 3.846 căn hộ, xây dựng trên diện tích rộng 5,6 ha, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Cho đến nay, 13 tòa nhà với 1.397 căn hộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, khiến công trình bị xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.


Tại nhà B6B, từ cuối tháng 7 đến nay, cuộc sống của hơn 400 người dân bị đảo lộn vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nguyên nhân là do bể nước sinh hoạt của khu dân cư được xây dựng liền kề ngay cạnh hố ga, bể phốt. Những ngày gần đây, mưa liên tục, nước bẩn từ bể phốt tràn lên, ngấm vào bể nước ăn gây ô nhiễm. Người dân đề nghị Xí nghiệp kinh doanh nước sạch cấp nước bằng xe bồn. Hằng ngày, toàn bộ các hộ dân phải xuống sân, xách từng xô nước lên nhà sử dụng. Ngoài "sự cố" về nước sinh hoạt, hoạt động của các thang máy của các nhà chung cư là nỗi bức xúc lớn của người dân. Mỗi tòa nhà được bố trí hai thang máy, nhưng hơn một năm nay, một thang máy nhà B6B bị hỏng, nhưng không được sửa chữa. Chiếc còn lại lúc chạy được, lúc không, khiến việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Một thang máy nhà B6C cũng không hoạt động được do mất bảng điều khiển. Chất lượng các thiết bị trong từng căn hộ kém, cửa các phòng trong căn hộ làm bằng gỗ ép chất lượng thấp, có thể dùng tay bẻ ra từng mảng. Việc quản lý hạ tầng khu đô thị có nhiều biểu hiện sự buông lỏng quản lý. Một số khu đất trống trong khu đô thị đã được quy hoạch, nhưng chưa triển khai xây dựng, trở thành khu đất hoang, bị một số hộ dân lấn chiếm để bán hàng, dựng lều lán, cho thuê sản xuất kinh doanh. Ðường giao thông vào khu đô thị vẫn chưa hoàn thiện, ngổn ngang sỏi đá, dựng các ba-ri-e chắn ngang, mất mỹ quan đô thị...


Ngày 9-8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã thị sát những khó khăn của người dân khu TÐC. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo chủ đầu tư khu TÐC phải khắc phục ngay những sự cố nêu trên. Cụ thể là sửa chữa, vận hành thang máy để người dân sử dụng, tìm rõ nguyên nhân gây ra ô nhiễm bể nước sinh hoạt để có biện pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng người dân phải xách từng xô nước lên nhà để sử dụng, thay thế ngay cánh cửa hỏng. Ðiện lực Cầu Giấy xây dựng ngay các trạm biến áp còn thiếu trong khu đô thị để có thể đấu nối được các thiết bị chiếu sáng. Ban Quản lý các dự án trọng điểm phải hoàn thiện những đoạn đường dẫn vào khu đô thị, phối hợp quận Cầu Giấy giải tỏa những khu đất đang bị lấn chiếm...


Tình trạng các công trình TÐC bị xuống cấp sau một thời gian ngắn sử dụng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các hộ dân đã xảy ra tại các khu TÐC trên địa bàn thành phố, do chất lượng xây dựng kém, công tác vận hành, duy trì không thường xuyên, liên tục, sự quản lý chồng chéo giữa các chủ đầu tư, khiến khi xảy ra sự cố, các bên liên quan tìm cách né tránh, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.


Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ GPMB của thành phố rất nặng nề, với khoảng 870 dự án cần GPMB, bố trí TÐC cho hàng nghìn hộ dân. Việc khắc phục những bất cập ở các dự án TÐC cần thực hiện ngay, không chỉ để bảo đảm chất lượng sống cho các hộ dân trong khu vực, mà còn góp phần tạo sự tin tưởng, yên tâm cho những hộ dân trong diện phải di dời GPMB các dự án khác, từ đó người dân đồng thuận, tự giác chấp hành việc di dời, đẩy nhanh công tác GPMB trên địa bàn thành phố.

Theo Việt Anh (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.