Hơn ba năm nay, những ách tắc trong việc nộp tiền sử
dụng đất theo Nghị định 69/2009 vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này dẫn tới
nhiều hệ lụy khiến người dân bị thiệt thòi.
Không có lỗi nhưng bị kiện
Chị Vũ Thị Thanh Hà ngụ quận 1 có một mảnh đất 247 m2 (vượt hạn mức đất ở 47 m2,
khi chuyển mục đích sử dụng phải thẩm định giá theo Quyết định 64/2011
của UBND TP.HCM) tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Mảnh đất này phù
hợp quy hoạch khu dân cư và được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất
ở. Giấy chứng nhận đã được UBND quận Thủ Đức ký từ tháng 5-2010 nhưng do
cả TP đang vướng việc nộp tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009 nên
chị chưa được nhận.
“Cứ nghĩ vài tháng các bộ, ngành chức năng cũng phải
có hướng dẫn nên tháng 8-2011, tôi bán mảnh đất với cam kết trong tám
tháng sẽ có giấy chứng nhận và sang tên cho người mua. Nay thời hạn cam
kết đã hết nhưng tôi không có cách nào nộp được tiền sử dụng đất để hoàn
tất thủ tục cho bên mua” - chị Hà cho hay. Hậu quả là chị Hà đang đối
mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa.
“Bên mua cho rằng tôi vi phạm hợp đồng nên cho hay sẽ
kiện đòi bồi thường lãi suất ngân hàng mà họ phải chịu khi vay 900
triệu đồng để giao cho tôi. Về tình, về lý tôi không sai, tôi cũng không
bội ước trong mua bán nên bị kiện thì oan quá nhưng không biết phải làm
sao” - chị Hà nói.
Việc nộp tiền sử dụng đất phần vượt hạn mức vẫn chưa được gỡ vướng hoàn toàn. Trong ảnh: Tư vấn thuế tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM.
Ba năm, gỡ được chút xíu
Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 quy định tiền sử dụng đất phải nộp theo giá thị trường (trước đó tiền sử dụng đất được nộp theo bảng giá đất do UBND TP ban hành). Do không xác định được thế nào là giá thị trường nên toàn bộ hồ sơ nhà đất, từ hộ gia đình cá nhân đến tổ chức, trong hạn mức lẫn ngoài hạn mức đều bị ngưng trệ.
Tháng 7-2010, Thủ tướng có Công văn 1173 gỡ vướng một
phần Nghị định 69. Theo đó, hộ gia đình cá nhân có đất trong hạn mức
đất ở được nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất. Như vậy, các hộ gia
đình cá nhân có đất vượt hạn mức đất ở và đất giao cho tổ chức vẫn phải
nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường.
Để giải quyết bài toán “giá thị trường là giá nào”,
UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở chức năng đi tìm hệ số tiền sử dụng đất
(hệ số K). Tháng 8-2011, Sở Tài chính trình UBND TP dự thảo quy định
tiền sử dụng đất vượt hạn mức phải nộp gấp hai lần bảng giá đất. TP cũng
kiến nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư cho phép UBND cấp tỉnh được
ban hành hệ số K này để tạo cơ sở pháp lý.
Tháng 10-2011, Bộ Tài chính có Thông tư 93 chấp thuận
cho UBND cấp tỉnh được ban hành hệ số K trong tính tiền sử dụng đất.
Nhưng bất ngờ, UBND TP lại ban hành Quyết định 64 về hệ số K, chỉ chấp
thuận một phần rất nhỏ dự thảo do Sở Tài chính trình (chỉ 50% diện tích
vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình cá nhân trong trường hợp được công
nhận quyền sử dụng đất mới được nộp gấp hai lần bảng giá đất. Phần vượt
hơn nữa và mọi trường hợp khác vẫn nộp theo giá thị trường, tức phải
thẩm định giá).
Quyết định 64 không đáp ứng được nhu cầu của cuộc
sống nên gần như bị phá sản. Chưa đầy một tháng sau, UBND TP phải thông
báo sửa đổi quyết định này. Tinh thần là mở rộng hệ số K (hai lần) thêm
một chút, áp dụng luôn cho phần vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình cá
nhân trong trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phần
vượt hạn mức trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thì vẫn chưa
xem xét, vì TP lo ngại dẫn đến “phân lô hộ lẻ, đầu cơ đất đai, thất
thoát ngân sách, ảnh hưởng quỹ đất nông nghiệp”.
Điều đáng nói là thẩm quyền giải quyết định vấn đề
này hoàn toàn thuộc về UBND TP nhưng TP không quyết mà gửi văn bản xin ý
kiến Thủ tướng. Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị
của TP và đến nay, chính sách đối với việc nộp tiền sử dụng đất tại TP
vẫn chưa có gì thay đổi.
Được biết hiện tổ công tác liên ngành do Sở TN&MT chủ trì đang làm việc với các quận, huyện ngoại thành nhằm nắm lại tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, báo cáo TP nhằm có hướng tính tiếp. Trong ngày 17-4, UBND TP sẽ tổ chức cuộc họp với các quận, huyện để tiếp tục bàn về vấn đề này.
Do lo ngại bị thất
thoát ngân sách nên TP có sự thận trọng trong việc thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, xét về toàn cục thì coi chừng điều này lại gây thất thoát
hơn. Người dân không nộp được tiền sử dụng đất thì thu ngân sách bị
giảm, đất đai không được đưa vào sử dụng, giao dịch ngưng trệ. Đó là
chưa nói đến những hệ quả gián tiếp như trật tự xã hội bị ảnh hưởng, nảy
sinh tranh chấp giữa người dân với nhau… Sự chậm trễ, vướng mắc của
chính sách không phải là lỗi của người dân nhưng họ lại là người gánh
chịu sau cùng.
TS NGUYỄN VĂN NGÃI, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM