Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất nông lâm trường quốc doanh đang là một trong những vấn đề “nóng” được nhiều chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo "Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai tại nông lâm trường quốc doanh: Những bất cập và giải pháp," do Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 8/9, tại Hà Nội.

Những quả đồi bị cạo trọc cây ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Lấn chiếm chủ yếu để bán

Tiến trình đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh đang gặp vô số khó khăn, mà một trong những vấn đề cốt lõi nằm ở quản lý đất đai.

Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia đất rừng, những năm năm qua, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đất nông lâm trường diễn ra phổ biến và ngày càng diễn biến phức tạp. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý mà còn gây tổn thất, lãng phí tài nguyên đất tại nhiều địa phương.

Đơn cử như, tại nông trường chè Thanh Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), 193 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán, mượn đất với tổng diện tích gần 90.000 m2 nay đã xây dựng nhà ở, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên đất nông trường. Đây là việc làm trái quy định, đã được Thanh tra tỉnh Nghệ An kết luận chỉ rõ.

​Một trường hợp khác, Công ty lâm nghiệp Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) có hơn 4.000 ha trồng rừng nhưng chỉ xin chứng chỉ rừng cho 2.000 ha rừng quản lý được, còn 2.000 ha đất đã khoán đến nay vẫn bỏ hoang. Ngay cả Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng phải loại bỏ nhiều diện tích vì đã khoán, không quản lý được.

Đáng chú ý, nếu trước đây người dân lấn chiếm đất nông lâm trường do thiếu đất sản xuất, thì nay người dân lấn chiếm chủ yếu để bán cho người ngoài đầu tư trồng cà phê hay các loại cây nông nghiệp khác. Tất cả các hoạt động chuyển nhượng đều diễn ra theo hình thức tự phát, không có bất cứ hồ sơ hay văn bản nào nên chính quyền địa phương hay đơn vị chủ rừng cũng không kiểm soát được.

Để giải quyết vấn đề trên, mặc dù các cơ quan chức năng đã tập trung thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo nhưng việc xử lý vẫn khó dứt điểm. Thậm chí, có trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng sau khi ra tù lại tái lấn chiếm, khiến câu chuyện giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất nông lâm trường trở nên “nóng” như thường.

Chế tài không hiệu quả

Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên, lý do đầu tiên phải kể đến là quy hoạch đất nông lâm trường không sát thực tế, ranh giới đất đai chưa rõ ràng, và không có hồ sơ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong khi các biện pháp xử phạt hình chính các trường hợp lấn chiếm đất không thực thi và hiệu quả.

Ông Phạm Nguyên Thành, Đại học Nông lâm Huế cho biết, thực tế việc xử lý sai phạm là rất khó, bởi người dân thì quá nghèo để nộp phạt và cũng không có tài sản gì để cưỡng chế. "Thế nên xử lý xong, chủ rừng không kịp thời trồng rừng lại tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí, có trường hợp còn chấp nhận bị phạt vì giá trị của đất cao hơn rất nhiều số tiền bị phạt."

Đất đai bị hoang hóa, xí nghiệp chè tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thiếu nguyên liệu sản xuất. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Ở một góc độ khác, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng, việc thiếu cơ chế, chính sách thanh lý tài sản trên đất rừng đã khoán đã khiến việc thu hồi đất để giao cho địa phương trở nên bế tắc. Thêm vào đó, cách thức thu hồi đất rừng đã giao khoán cũng chưa phù hợp với lợi ích của các bên liên quan nên đã dẫn tới tình trạng thu hồi đất rồi vẫn không giao được cho ai.

Ngoài ra, theo ông Chu, sự hợp tác chưa tốt giữa chủ rừng và chính quyền địa phương cũng góp phần làm cho vấn đề lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép xảy ra nghiêm trọng hơn. Đơn cử như tại tỉnh Lâm Đồng, mặc dù cơ quan chức năng đã tổ chức ban lâm nghiệp xã với các thành phần có đủ đại diện của chính quyền, đoàn thể, kiểm lâm và chủ rừng, nhưng nhìn chung chưa hoạt động hiệu quả nên cũng không giám sát, kiểm tra được.

Để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất nông lâm trường, các chuyên gia nhấn mạnh, các cấp chính quyền, các bên liên quan phải thực sự vào cuộc và cần có sự tham gia của cá nhân/tổ chức đóng vai trò hòa giải. “Đặc biệt cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, đối thoại với các bên”, tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Long, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cũng lưu ý, có những vùng do thiếu đất sản xuất nên bà con đồng bào dân tộc thiểu số mới lấn chiếm đất nông lâm trường, nên cần phải thu hồi một phần diện tích đất của các nông lâm trường sau để giao cho người dân sản xuất.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia cũng kiến nghị, cần có cơ chế để “bắt buộc” các nông lâm trường quốc doanh hợp tác với người dân và các bên liên quan tham gia rà soát, đánh giá đất đai trước khi xây đề án về đổi mới nông lâm trường.

Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí để thực hiện việc rà soát, đo đạc để thu hồi đất, tổ chức, hỗ trợ việc giao đất thực tế cho người dân, nhất là ở những địa phương còn khó khăn./.

Theo thông kê, hiện nay cả nước có 319 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại, quản lý và sử dụng gần 2,8 triệu ha đất, trong đó có 116 đơn vị do Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý.

Ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfarm cho biết, tiến trình rà soát, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh diễn ra chậm chạp và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế này đang phổ biến theo kiểu “thay vỏ,” nghĩa là các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được việc đổi tên chứ chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.