Nhiều con trâu quen đường đi lạc vào sân golf bị chủ đầu tư “giam” lỏng, rồi mang “tráp” phạt người chủ, làm hỏng 1m2 đất trồng cỏ, phải bồi thường 10 triệu đồng. Bị phạt riết, cuối cùng thì đàn trâu tiêu tán, chẳng còn để mà phạt nữa… Khi trâu mất, nghề trồng lúa nước của người K’ho làng Ròn cũng mai một dần.

LTS: Trong quy hoạch “cứng” đến 2020, Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ mở rộng thêm 33 sân golf mới, nâng tổng số sân golf ở Việt Nam lên con số 118. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều dự án sân golf được cấp phép vẫn “án binh bất động” đẩy người nông dân vào nỗi lo mất đất sản xuất, đói nghèo.

Đâu đó vẫn còn những cánh đồng lúa 2 vụ màu mỡ bị “quy hoạch” và đền bù giá rẻ; hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang không thương tiếc… PV VietNamNet ghi nhận tại một số tỉnh, TP về thực trạng nhức nhối này.


Đầu tiên phải kể đến sân golf khu du lịch K’Rèn, rộng 440ha thuộc công ty TNHH Hàn Việt sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch, vì vướng thu hồi đất và…“không hợp lòng dân” (!)


Một xã…3 sân golf

Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có vị trí thuận lợi, nằm trên quốc lộ 51, giáp ranh TP Đà Lạt, nên phải “gánh” tới 3 sân golf, chiếm một nửa số sân golf trong quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng.


Trong đó, sân golf khu du lịch K’Rèn, diện tích 440 ha nằm lọt thỏm giữa xã. Sân golf khu du lịch Đạ Ròn cũng chiếm một phần đất của xã (chủ yếu là con đường kết nối vào sân golf). Ngoài ra sân golf thuộc dự án nghỉ dưỡng cao cấp Sacom cũng “ăn” vào đất của xã, khoảng 40 ha.


Nông dân và “bi kịch” phía sau dự án sân golf

Toàn cảnh cánh đồng K’Rèn hai vụ lúa của người dân nằm trong diện thu hồi thuộc dự án sân golf khu du lịch K’Rèn. Ảnh: Thái Thiện


Ngày 9/8, có mặt tại khu vực sân golf K’Rèn, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang vắng của dự án này. Dấu vết để nhận biết dự án sân golf… còn tồn tại là con đường đất đỏ xẻ lên ngọn đồi, phía trên là một khoảng đất bằng phẳng, có dãy nhà tạm làm nơi lưu trú cho công nhân; xung quanh bốn bề là rừng thông, bên dưới là thung lũng với những cánh đồng lúa xanh ngắt…


Câu hỏi đặt ra, vì sao một dự án “điểm” có vốn đầu tư nước ngoài, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép từ năm 2007, sau 4 năm qua vẫn triển khai “ì ạch” như vậy ?


Ông Hoàng Hồng Quang - Chủ tịch UBND xã Hiệp An xác nhận với PV VietNamNet: cả xã có 3 dự án sân golf, trong đó 2 dự án đã được bàn giao đất, riêng dự án sân golf khu du lịch K’Rèn, hiện vẫn “treo” khoảng 122 ha.


Theo ông Quang, chủ đầu tư dự án sân golf khu du lịch K’Rèn là công ty TNHH Hàn Việt đã nhận bàn giao phần đất lâm nghiệp. Riêng đất nông nghiệp, đất ven rừng (khoảng 122 ha, trong đó có 97ha đất lúa), gặp vướng mắc là người dân chưa chịu giao đất.


“Chúng tôi vận động bà con bàn giao mặt bằng, nhưng họ phản ứng rất dữ. Họ nói, nếu cứ tiếp tục lấy đất thì họ sống bằng gì?" – ông Quang cho biết.


Mất đất, nông dân sẽ làm gì ?


Dẫn chúng tôi đi thăm đồng, ông K’Sáu – phụ trách nông nghiệp của thôn K’Rèn, xã Hiệp An cho biết: sân golf K’Rèn được “quy hoạch” giữa thung lũng, bao bọc là cánh rừng thông nguyên sinh.


Ngoài ra còn ruộng lúa 2 vụ, với nguồn nước tưới dồi dào quanh năm. Đây từng là “điểm sáng” của huyện Đức Trọng về nông nghiệp và là mô hình mẫu về canh tác lúa chất lượng cao, được nhiều địa phương khác tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm…


Nông dân và “bi kịch” phía sau dự án sân golf

Người dân thôn K’ Rèn mong muốn một cuộc sống ổn định, dự án sân golf “treo” đã khiến họ mất ăn mất ngủ nhiều năm liền. Ảnh: Thái Thiện


Thôn K’ rèn có 220 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc K’ho bị ảnh hưởng nặng nề từ sân golf. Dự án này “ôm” toàn bộ đất nông nghiệp của thôn với khoảng 122 ha, trong đó có 97 ha đất lúa hai vụ.


Theo ông K’Sáu, khi Ban đền bù của huyện mời bà con lên thông báo sẽ đền bù mỗi sào lúa từ 18-24 triệu đồng, người dân đã bỏ về để phản đối. Họ đặt câu hỏi với cán bộ: đời sống bà con đã thấp, nay còn bị thu hồi đất, họ sẽ sống bằng gì ?


“Mà có tiền đền bù đi nữa, người K’ho chúng tôi cũng dễ sa đà vào xây nhà cửa, mua xe cộ, hai ba năm sau hết tiền rồi tính sao đây ?” – ông K’ Sáu phân tích.


“Bài học thu hồi đất làm sân golf Đạ Ròn bên cạnh, dân “treo niêu” còn sờ sờ ra đấy, chúng tôi không muốn tiếp bước sai lầm của họ. Thử hỏi mức sống của người dân làng Ròn hiện nay ra sao, họ đang chịu cực khổ hay vươn lên rồi, họ có đất sản xuất hay mất đất sản xuất ?”.


Theo lời ông K’Sáu, không ít người K’ho ở làng Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương sau khi thu hồi đất để làm sân golf đã phải bán đàn trâu… vào lò mổ, vì không có đất, đồng cỏ để chăn thả.


Nhiều con trâu quen đường đi lạc vào sân golf bị chủ đầu tư “giam” lỏng, rồi mang “tráp” phạt người chủ, làm hỏng 1m2 đất trồng cỏ, phải bồi thường 10 triệu đồng. Bị phạt riết, cuối cùng thì đàn trâu tiêu tán, chẳng còn để mà phạt nữa… Khi trâu mất, nghề trồng lúa nước của người K’ho làng Ròn cũng mai một dần.


Việc người K’ho, sau mấy năm mất đất cho sân golf, đời sống khó khăn: người già, sức yếu không đi làm thuê được; người trẻ không có việc làm sinh tật trộm cắp, thậm chí quay lại phá rừng…không còn là chuyện hiếm.


Dự án “treo”, quyết định thu hồi cũng…“treo”


“Chúng tôi đã ký đơn, khiếu nại vụ thu hồi đất làm sân golf ở thôn K’Rèn lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc miền núi và Sứ quán Hàn Quốc. Nguyện vọng duy nhất là giữ phần đất cha ông, bởi việc lấy đất trồng lúa làm sân golf vốn đã sai chính sách, lại còn ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước về ổn định đời sống kinh tế của đồng bào thiểu số gốc Tây Nguyên” – ông Dagout Jú một trong số 94 người dân ký đơn bày tỏ.


Trao đổi với PV VietNamNet, chủ tịch UBND xã Hiệp An thừa nhận: Nếu triển khai dự án sân golf K’Rèn, cấp xã chịu áp lực nặng nề nhất. Ngoài việc khó khăn trong tìm đất tái bố trí cho người dân, vì quỹ đất của xã đã hết…thì việc giải quyết công ăn việc làm, trật tự xã hội, đời sống tâm tư của 1.000 nhân khẩu cũng hết sức phức tạp.


Còn nhớ, cách đây gần 1 năm (tháng 10/2010), Tỉnh ủy Lâm Đồng có chỉ đạo giao UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án sân golf này vì dự án nằm trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Lý do thu hồi là nếu dự án triển khai sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội, không có lợi cho kinh tế - xã hội của địa phương.


Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ đạo trên đã không được thực hiện, dự án sân golf khu du lịch K’Rèn vẫn được triển khai.


Chủ tịch UBND xã Hiệp An xác nhận: “Mới đây chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND xã giao 122 ha đất nông nghiệp cho họ làm dự án, nhưng cấp xã đâu có thẩm quyền này (?) Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện, tỉnh trả lời nhà đầu tư...”.


Sân golf khu du lịch K’Rèn thuộc dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt của Công ty TNHH Hàn Việt nằm trên diện tích 440ha tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng – cách Đà Lạt khoảng 15km.

Theo thiết kế, đây là sân golf 36 lỗ, được xây dựng cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi và khoảng 500 căn biệt thự. Sân golf K’Rèn là 1 trong 6 sân golf của tỉnh Lâm Đồng có tên trong quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành vào tháng 11/2009.

Theo Thái Thiện (VietnamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.