Cuối tuần qua, TT Chính phủ gần như cùng lúc có hai quyết định quan trọng đối với thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Dù rất được chờ đợi và biết chắc sẽ đến nhưng khi Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015" và "Chỉ thị về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán" được TT ký ban hành tạo ra nhiều ấn tượng đối với toàn thể nền kinh tế.

Ấn tượng đầu tiên có lẽ không phải là những nội dung được đề cập trong các văn bản đó mà trước hết chính là tinh thần quyết liệt và sự đồng bộ trong việc chỉ đạo điều hành đối với các lĩnh vực kinh tế nóng bỏng hiện nay. Điều đó không chỉ tạo ra sức ép mà cao hơn đó là sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.


Động thái này diễn ra khi Bộ Tài chính, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đang khẩn trương ký kết và triển khai các cam kết về cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tất cả những diễn biến trên được coi như là một bước khởi đầu của quá trình tái cơ cấu DNNN, ngân hàng và chứng khoán... vốn đang rất được trông đợi.


Với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Với 3 trụ cột là tài chính, ngân hàng, DNNN... đã được chỉ đạo thống nhất và đồng thuận cao của toàn xã hội thì đây hẳn là một bước đi cụ thể hóa các kế hoạch, giải pháp... rất được kỳ vọng.


Và tất nhiên, khi tất cả đều hiểu rằng, tái cơ cấu là hướng đi tất yếu để hướng nền kinh tế tới một giai đoạn phát triển mới hiệu quả và bền vững hơn, thì động thái này của chính phủ đặt thêm niềm tin vào một lộ trình dù còn kéo dài với nhiều thách thức nhưng sẽ đầu xuôi, đuôi lọt.


Trên thực tế, không chỉ chờ đến khi các kế hoạch, đề án được phê duyệt mà trên từng lĩnh vực, chủ trương tái cơ cấu đã được thực hiện với những bước đi cụ thể đầu tiên. Có thể thấy rõ điều đó trong các bước đi nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như: tăng cường kiểm soát và siết chặt các chỉ tiêu an toàn tại các ngân hàng, phân loại để có chính sách điều hành và quản lý phù hợp...


Và đặc biệt, vụ hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên đã thực hiện bước đầu trót lọt. Trong khi đó có khoảng 8 - 10 ngân hàng trong nhóm khó khăn nhất đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu theo hướng mua bán - sáp nhập cũng đang thực hiện thuận chiều trong một không gian được giữ ổn định của hệ thống ngân hàng.


Nói và Làm: Đầu xuôi đuôi lọt

Đối với chứng khoán, sau những chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng từ cuối năm 2011, lời cam kết hỗ trợ và thức đẩy chứng khoán phát triển nhằm lấy lại vị thế của một kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế vào đầu năm 2012 của Bộ trưởng Tài chính cùng chỉ thị mới đây, chứng khoán coi như đã được mở đường lớn để phát triển ổn định trong dài hạn.


Riêng với các tập đoàn và DNNN, lộ trình tái cơ cấu dường như đã khởi động sớm từ Vinashin, đến EVN và tiếp theo là Sông Đà... Nhiều DN và tập đoàn khác cũng đều phải trình kế hoạch tái cơ cấu của mình.


Rõ ràng, với một sự khởi đầu đồng bộ từ văn bản chính sách, và cả trên thực tế cho thấy một không khí "tái cơ cấu" đang lên rất cao và điều đó mang lại một cảm giác "đầu xuôi, đuôi lọt" vốn quen thuộc trong tâm niệm của người Việt.


Tuy nhiên, cũng ngay trong giai đoạn khởi đầu này, từ xây dựng chính sách cho đến thực tế triển khai cũng đã bộc lộ rất nhiều khó khăn và thách thức. Nhìn trên tổng thể chung, đó có thể là những khu vực nhỏ nhưng lại có thể dẫn đến nguy cơ chậm trễ hay gây khó khăn có cả một lộ trình lớn của đất nước.


Điều đó không khó để nhận ra. Trên lĩnh vực ngân hàng, trước hết chính là vấn đề thanh khoản, các khoản nợ xấu, khả năng quản trị và tình hình nhân sự tại mỗi ngân hàng... Nhưng cao hơn, khó khăn còn đến từ chính những lãnh đạo, người có quyền lợi trong mỗi ngân hàng khi mọi sự thay đổi có thể khiến cho họ bị ảnh hưởng...


Vì thế, không hẳn ai đồng ý cũng đồng lòng thực hiện. Nói đúng hơn, đó chính là thách thức từ chính ý chỉ chủ quan của con người hay nói cách khác chính là lực cản từ những nhóm lợi ích, của những ngân hàng riêng lẻ.


Đối với chứng khoán, dù mọi thứ có thể thuận lợi hơn nhưng cũng còn những điều rất khó khăn khi những vấn đề của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết chưa được giải quyết thì thị trường chưa thể nhẹ gánh đi lên.


Bên cạnh đó, những điều chính kỹ thuật, cải cách chính sách vẫn còn chậm trễ và nhất là tính minh bạch, sự nghiêm minh và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư chưa được thiết lập hoàn chỉnh thì thị trường chưa thể tạo được niềm tin vững chắc để nhà đầu tư rót vốn.


Và tất nhiên, một khi thi trường thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn và để ngỏ cho những tay đầu cơ thì hẳn chư thể nói đến phát triển ổn định và bền vững.


Còn các DNNN, dù những cam kết bước đầu rất đáng hy vọng nhưng để đạt được kết quả tái cơ cấu như mong đợi thì cần phải xử lý được vấn đề kém hiệu quả của khối DN này. Mà việc này liên quan đến cả cơ chế chính sách, con người và lịch sử hoạt động hoàn toàn không dễ thay đổi. Chỉ nói riêng việc xử lý những khoản nợ, chi phí cho quá trình tái cơ cấu thôi cũng đủ làm đau đầu các nhà quản lý.


Với thực tế trên cho thấy, dù chúng ta đang có một khởi đầu với tinh thần cao nhưng cũng là "vạn sự khởi đầu nan" khi những khó khăn, thách thức và lực cản đang chực chờ phía trước. Tái cơ cấu là một lộ trình dài hơi và tất nhiên trên quãng đường đó sẽ có rất nhiều điều khó khăn và cản trở buộc chúng ta phải chắc tay, vượt qua nếu không muốn những đề án lớn với mục tiêu tốt đẹp bị lệch hướng hay bị lãng quên giữa chừng.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh