Cần có tiêu chí cho vay
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ
tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS)”, thay vì “giảm dư nợ tín
dụng BĐS” trong nhiều văn bản của Chính phủ và đồng ý đưa BĐS ra khỏi
lĩnh vực phi sản xuất, tuy vẫn thuộc lĩnh vực được kiểm soát tín dụng.
Hoạt động kinh doanh của các DN BĐS dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính,
trong đó chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Song với lãi suất cao như hiện
nay, dòng vốn tín dụng không như kỳ vọng đã làm đa số DN rơi vào tình
trạng thiếu vốn trầm trọng.

Ảnh minh họa.
Tín dụng bị siết khiến tiến độ triển
khai các dự án chậm lại. Các nhà đầu tư trong nước thiếu vốn đầu tư đã
phải chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các
dự án khu vực TPHCM. Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Nam, để trong thời
gian tới thị trường BĐS hoạt động minh bạch, hiệu quả, Chính phủ cần
sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS. “Cần có tiêu chí cho vay để
hướng các tổ chức tín dụng ưu tiên các dự án có tính thanh khoản cao,
đảm bảo thu hồi nợ, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn
chế cho vay đầu cơ, rủi ro cao” - ông Nam kiến nghị.
Lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chính
thức phê duyệt đề án thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Theo đề án, Quỹ
Tiết kiệm nhà ở được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và
mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hằng tháng của người lao
động.
Sau khi đóng góp người lao động sẽ được hưởng lãi suất từ 3 -5%/năm tùy
theo giá trị đóng góp và đối tượng huy động. Khi đã hình thành với giá
trị nhất định, quỹ sẽ được mở cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi
suất thấp kèm những quy định về đối tượng và điều kiện vay. Quỹ cũng sẽ
dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia
chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Tuy vậy, Thứ trưởng Nam cũng phải nói rõ thêm: “Quỹ ra đời chỉ hỗ trợ
một phần giúp người dân có thêm điều kiện tiếp cận với việc sở hữu nhà
ở chứ không có trách nhiệm lo hết nhà ở cho người dân. Nhưng với hơn 9
triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần góp 1% số lương
mỗi tháng, hằng năm quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỉ đồng, góp phần đáng
kể để cải thiện chỗ ở cho người dân”.







