Sau 4 năm sát nhập về Hà Nội, Tiến Xuân và Đông Xuân, hai xã thuộc địa giới của huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình trước đây, như khoác trên mình áo mới. Tuy nhiên, cuộc sống của người Thủ đô cũng như một dàn hợp xướng muôn màu trầm bổng cất lên giữa núi rừng …

Ngay sau những ngày sáp nhập về Hà Nội, các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng thuộc các xã Đông Xuân, Tiến Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang hơn. Chính thức trở thành công dân Thủ đô sau ngần ấy thời gian, tuy nhiên, trong các chính sách ưu đãi, Tp. Hà Nội vẫn xác định đây là những địa phương nằm trong 13 xã miền núi khó khăn…

Là công dân Thủ đô, nhưng nghề chính của người dân xã Tiến Xuân vẫn là nông nghiệp
Là công dân Thủ đô, nhưng nghề chính của người dân xã Tiến Xuân vẫn là nông nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2009, chính xác là ngày 8/5, từ công dân thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), những hộ gia đình ở thôn Gò Chói (xã Tiến Xuân) chính thức có hộ khẩu là người Hà Nội. Gò Chói, cái tên nghe có vẻ xa lạ nhưng một thời từng là địa điểm cho những người môi giới bất động sản, tìm đất thổ cư, đất nông nghiệp mua bán sôi động suốt ngày đêm.

Những ngày cuối tháng 3, Gò Chói bắt đầu đón cái nắng đầu mùa. Ngôi nhà của bà Lê Thị Dao nằm bên con đường ven thôn ấm cúng hơn. “Ngày đầu biết mình được về Hà Nội thì rất bỡ ngỡ, cả đời ở quen với cuộc sống này rồi nên không biết thế nào”, người phụ nữ dân tộc Mường nói với giọng rất xúc động, pha trong đó là chút lo ngại khi nhớ những ngày đầu trở thành công dân của Thủ đô.

Khi còn thuộc đất Hoà Bình, lại là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Tây (cũ), bà con ở Tiến Xuân nói cuộc sống lúc đó còn khó khăn, đặc biệt là đường sá đi lại, y tế, giáo dục chưa đầy đủ. Nhưng khi có quyết định sáp nhập, sự thay đổi về hạ tầng cũng hiện hữu ngày một rõ hơn.

Những ngày đầu nhập về Hà Nội, nhiều gia đình có nhiều đất thì cắt vài mảnh để bán mà có của để dành. Những nhà ít ruộng, ít đất thì nhìn sự biến chuyển mà tiếc nuối.

“Nhập về Hà Nội khi sốt đất thì nhiều người bán làm nhà tầng, những hộ không có đất như tôi thì chật vật”, bà Dao, nói. Cả nhà làm nông nghiệp nhưng chỉ có hơn sào ruộng, con thì người làm thợ xây, người làm công ty may, cảm nhận sự đổi thay bằng góc nhìn của người phụ nữ năm nay tròn 66 tuổi, bà Dao cho hay: “Từ khi về Hà Nội thì mọi thứ vẫn thế, chỉ có làm được con đường liên thôn, và cả cái nhà mẫu giáo”.

Từ cuối Đại lộ Thăng Long, con đường liên xã đến Tiến Xuân, Đông Xuân được tráng nhựa thẳng tắp. Nhiều biệt thự nhà vườn của “người Hà Nội gốc” lên xây nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn mở cửa, thêm sinh động trong điệu nhạc muôn màu cho bà con nơi đây.

Đặc biệt, tại Tiến Xuân, hệ thống trường học, y tế được đầu tư bài bản. Trường cấp 1, cấp hai của xã này được xây dựng khang trang cao tầng, hệ thống trường lớp nhìn từ phía ngoài không thua kém gì các trường chuẩn ngay tại nội thành Hà Nội. “Về Hà Nội thì được làm đường, nói chung là điện, đường, trường, trạm, đủ cả”, người đàn ông tên Duy, nói.

Thế nhưng, sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, Tiến Xuân cũng còn đó những trăn trở.

Trước khi sáp nhập, tỉnh Hoà Bình đã “hoả tốc” cấp phép cho hàng loạt dự án bất động sản làm cho diện tích đất canh tác của người dân sụt giảm đến chóng mặt. Tuy nhiên, sau nhiều năm cấp phép, các khu đô thị, dự án trường học vẫn đình đốn, trong khi nhu cầu sử dụng tư liệu sản xuất của người dân ngày một lớn lại không được đáp ứng.

Ngoài ra, nhiều dự án – theo cách nói của người dân là thuộc diện “treo” vô thời hạn nên các thủ tục pháp lý liên quan đến tư liệu sản xuất của bà con cũng bị ảnh hưởng. “Làm sổ đỏ, thế chấp nhà đất đều không được chấp nhận”, một người dân, cho hay.

Bà Dao cho biết “nghề chính là làm ruộng”, nhưng hiện nay những đứa con của bà người thì làm thợ xây, người làm thợ may vì nhà “có hơn sào ruộng”. Tương tự, nhiều người dân cũng cho biết, do không có nhiều diện tích đất canh tác nên con cái phải tự tìm xuống Hà Nội học nghề, hy vọng sẽ tìm được sự thay đổi cho cuộc sống bởi những quyết định tình huống như vậy.

Ngoài những con đường lát nhựa, thì lối vào các con ngõ nhỏ ở Tiến Xuân vẫn chưa được cấp phối, chỉ một màu bụi của đất rừng. Trong 13 xã miền núi khó khăn, thì Tiến Xuân và Đông Xuân thuộc diện được Tp. Hà Nội định là “xã miền núi khó khăn”.

Trong khi đó, năm 2012, con số thống kê hộ nghèo từ huyện Thạch Thất với bốn xã được sáp nhập từ Hoà Bình về Hà Nội như một con số day dứt. Dù có nhiều đột phá và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận với số hộ nghèo giảm đáng kể, nhưng xã Yên Trung vẫn còn 145 hộ nghèo, Yên Bình 157 hộ, Tiến Xuân có hơn 100 hộ...

Việt Hưng (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.