11/03/2014 8:05 AM
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bước vào ngày làm việc đầu tiên vào hôm qua (10-3) với việc cho ý kiến 2 dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ cho phép người Việt Nam định cư tại nước ngoài khi được phép về Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động sẽ được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), kể cả nhà ở trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Còn thoáng quá!

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật tán thành định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật kiến nghị cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu. Ví dụ, không kinh doanh nhà ở các khu vực đặc biệt hay hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư..., tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Kim Khoa, lo lắng dự luật quy định quá giản đơn vì điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam hiện nay rất thoáng...

Đề xuất thành lập Quỹ Phát triển nhà ở theo dự luật cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu, nhận định việc đưa vào luật nhiều quỹ quá thì lấy đâu ra nguồn để thực hiện và không khả thi. “Cần tập trung vào mảng cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân tạo lập nhà ở thay vì mở quỹ” - ông Giàu nêu.

Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: “Liệt kê thấy nhiều loại quỹ và phát sinh thêm tầng nấc trung gian, vừa khó quản lý vừa làm phân tán nguồn lực tài chính quốc gia”.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, hoạt động sẽ được mua và sở hữu nhà trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong ảnh: Một dự án nhà ở tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, hoạt động sẽ được mua và sở hữu nhà trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong ảnh: Một dự án nhà ở tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Mua bán đất có thể không phải qua sàn

Trình bày dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS- sửa đổi), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết dự luật được điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước.

Một vấn đề khác cũng đã nới rộng trong lần sửa luật này là việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành. Đáng chú ý, dự luật bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS...

Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, tỏ ra nghi ngại về việc quá mở đối với kinh doanh BĐS. “Hiện nay, tình trạng BĐS để hoang hóa gây lãng phí lớn, nhìn rất phản cảm. Nếu luật mới tiếp tục mở ra nữa, không biết BĐS sẽ còn theo hướng nào” - ông Sơn lo ngại.

Ông Phùng Quốc Hiển lo việc nới điều kiện kinh doanh BĐS dẫn đến nhiều nhà đầu tư có thể lợi dụng để chiếm dụng vốn của người dân, người góp vốn để làm việc khác. Ông Hiển nhìn nhận các quy định “cấm” trong dự luật chưa đủ mạnh để bảo đảm an toàn cho các giao dịch BĐS.

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thời điểm xây dựng Luật Kinh doanh BĐS năm 2005, cơ quan soạn thảo đã nói rất hay về sàn giao dịch BĐS, rằng hoạt động mua bán thông qua sàn để chống giao dịch ngầm, tiêu cực. Đến nay, các lập luận đưa ra lại là sàn giao dịch phát sinh nhiều tiêu cực ngầm, thậm chí bắt tay nhau làm sai, nâng khống giá BĐS... “Xét về nguyên tắc, không giao dịch qua sàn sẽ là một bước thụt lùi so với yêu cầu minh bạch hóa” - ông Lý cảnh báo.

Cần làm rõ hơn đối tượng mua nhà ở xã hội

Góp ý về việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị làm rõ hơn đối tượng được mua nhà. Ông Phùng Quốc Hiển phân tích: “Quy định như dự thảo là quá rộng. Nếu như dự luật thì có tới 50% dân số Việt Nam thuộc diện được hỗ trợ”. Mặt khác, theo ông Hiển, việc ưu đãi cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội là cần thiết nhưng cần quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, làm méo mó chính sách.

Thế Dũng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.