04/08/2014 8:51 PM
Từ thực tiễn triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg, ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), dàn trải, lãng phí… trong đầu tư công sẽ chấm dứt khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Ông Bùi Đặng Dũng

Chỉ thị 1792/CT-TTg có nhiều quy định nhằm giảm tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ đọng XDCB... Nhưng thưa ông, trên thực tế, những hạn chế, khiếm khuyết, tồn tại trong đầu tư công vẫn chưa khắc phục được?

Năm 2012, năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung quản lý, sử dụng vốn đầu tư tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phù hợp với quy hoạch tổng thể, chi tiết; đầu tư thiếu đồng bộ…

Ngoài việc đền bù giải phóng mặt bằng chậm, triển khai không triệt để, hỗ trợ tái định cư không phù hợp dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, thì tình trạng thi công chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu vốn vì đầu tư dàn trải còn phổ biến khiến nhiều dự án bị lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Tuy vậy, khách quan mà đánh giá, những hạn chế, khiếm khuyết trong đầu tư công như tôi nói ở trên đã giảm rất nhiều so với năm 2011 trở về trước. Chính sách nào cũng có độ trễ, triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg cũng vậy, nên không thể xử lý hạn chế, tồn tại ngay trong một sớm một chiều.

Đến thời điểm này, độ trễ về chính sách đã đủ dài, những hạn chế, khiếm khuyết, tồn tại trong năm 2013 và 2014 đã khắc phục hết chưa, thưa ông?

Về cơ bản, những hạn chế, tồn tại trong đầu tư công năm 2013 đã được khắc phục một bước. Có thể nói, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư đã được tăng cường. Các bộ, ngành, địa phương bố trí vốn, hoặc điều chuyển vốn theo đúng thứ tự ưu tiên, nên đã giảm dần lãng phí, dàn trải, nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương phê duyệt dự án đầu tư, nhưng không xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư vẫn còn diễn ra dẫn đến mất khả năng cân đối, gây thiếu vốn… Việc bố trí vốn cho dự án khởi công mới không phải là công trình cấp bách, chưa đủ điều kiện theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg chưa được khắc phục triệt để.

Những tồn tại, hạn chế này tiếp tục được khắc phục thêm một bước nữa trong năm 2014. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc bố trí vốn. Cụ thể, sau khi tiến hành rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm nay, có 5.615 dự án với tổng vốn đầu tư trên 61.660 tỷ đồng bố trí đúng quy định, trong khi chỉ có 42 dự án với tổng vốn chưa đến 603 tỷ đồng bố trí sai quy định. Số vốn bố trí sai quy định đã được thu hồi, điều chuyển cho các dự án trong cùng ngành, lĩnh vực. Nhờ quản lý chặt nguồn vốn, năm nay, ngân sách nhà nước có thêm 5.228 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng XDCB.

Luật Đầu tư công đã thể chế hóa các quy định về đổi mới, tăng cường quản lý đầu tư công được đặt ra trong Chỉ thị 1792/CT-TTg. Khi luật có hiệu lực, ông có hy vọng, kỷ luật trong đầu tư vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ sẽ được thiết lập?

Theo tinh thần của Luật Đầu tư công, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt; chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với các quy định chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cấp, thì không bộ, ngành, địa phương nào có thể tự ý ban hành chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư một cách chủ quan, ngẫu hứng khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nên sẽ chấm dứt được đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, nợ đọng XDCB.

Nói một cách khái quát, Luật Đầu tư công là công cụ pháp lý quan trọng bắt buộc các bộ ngành, địa phương phải xem xét, cân nhắc kỹ hơn từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt chương trình, dự án phải xác định được nguồn vốn và bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt; khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải hiện nay.

Triển khai Luật Đầu tư công, có ý kiến lo ngại, một số công trình, dự án ở địa phương sẽ bị chậm tiến độ dẫn tới kém hiệu quả nếu người dân nơi có dự án thực hiện giám sát cộng đồng. Ông có lo ngại không?

Giám sát cộng đồng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các đoàn thể, đại diện cư dân thực hiện là nội dung rất quan trọng, nhằm tăng cường theo dõi, đánh giá, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện chương trình, dự án; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án…

Dự án đầu tư công phục vụ trực tiếp, hoặc gián tiếp người dân, vì lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, tôi tin rằng, tăng cường giám sát cộng đồng không chỉ giảm thiểu thất thoát, lãng phí, mà còn bảo đảm để công trình, dự án triển khai đúng tiến độ.

Mạnh Bôn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.