Sáng nay (7-10), UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phát triển quỹ đất đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng 10 dự án, thu hồi trên 4.200 ha đất; các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc cũng hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 100 dự án, thu hồi trên 1.700 ha. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.


Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm Nguyễn Thị Huệ, nói: “Hiện tại, cơ chế chính sách về đất đai và bồi thường, tái định cư của nhà nước thường xuyên bổ sung, sửa đổi, nên công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp trở ngại. Ngoài ra, công tác chuẩn bị các điều kiện giải phóng mặt bằng còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là quỹ nhà, đất tái định cư và kinh phí bồi thường cho người dân không kịp thời, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân khi đã giao đất”.


Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: “Cải cách thủ tục hành chính chưa chuyển biến mạnh, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công còn chậm, chưa dứt điểm. Việc công khai đối thoại với người dân có đất nằm trong vùng dự án chưa thường xuyên, nên nảy sinh nhiều bất cập trong đền bù để giai phóng mặt bằng”.


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận Sử Đình Vinh cho biết, phần lớn cán bộ Trung tâm quỹ đất các huyện đều yếu nghiệp vụ, nên việc đo đạc thường chậm và thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến việc đền bù giải phóng mặt bằng.


Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Ngô Văn Sậy, cho biết: “Hiện tại, tỉnh chưa có bản đồ đất đai hoàn chỉnh, nên công tác quản lý đất chưa chặt chẽ, tình trạng người dân lấn chiếm đất ngày càng nhiều, rất khó xác định đất thuộc chủ sở hữu người dân hay là đất công khi thực hiện giải phóng mặt bằng”.


Để giải quyết thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nói rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền pháp luật để cho người dân đồng thuận việc giao đất khi nhà nước thu hồi, từ nay đến tháng 12-2011, các địa phương sớm chấn chỉnh các thiếu xót; rà soát lại các dự án đang đầu tư trên các huyện, thành phố, có báo cáo cụ thể và tham mưu hướng xử lý để UBND tỉnh xem xét giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài. Đối với các dự án có thu hồi đất của người dân, chỉ khi nào dự án đó hoàn tất khu tái định cư và di dời dân ổn định, mới triển khai thực hiện dự án để bảo đảm quyền lợi cho người dân sau khi giao đất.

Theo Nguyễn Trung (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.