14/07/2011 2:26 AM
Hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn huyện Mê Linh cỏ dại mọc lút đầu, chủ đầu tư thì hầu như đã dừng hẳn việc thi công còn nhà đầu tư thứ cấp chót ôm hàng dự án đang gặp khó trong việc thu hồi vốn.

4 xã có...20 dự án?


Theo thống kê của UBND huyện Mê Linh, hiện có gần 50 dự án nhà ở, khu đô thị mới. Chỉ tính riêng 4 xã Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Thanh Lâm và thị trấn Quang Minh đã có hơn 20 dự án quy mô từ vài chục đến vài trăm héc ta như: Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Khu đô thị Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5, Chi Đông, Diamond Park New, River land, AIC … Các dự án hầu hết được khởi công từ năm 2008 - 2009, nhưng đến nay hạ tầng vẫn dang dở. Máy móc thi công đã được di chuyển đi nơi khác, đất dự án bỏ hoang cỏ mọc từ nhiều tháng nay.


Những “siêu đô thị” Mê Linh ôm đất, đọng vốn nằm...chờ chết
Dự án công trình này dự kiến hoàn thành vào quý II/2011 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

Trong số hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn huyện Mê Linh, dự án có hạ tầng thi công hoàn chỉnh nhất là dự án Khu đô thị Hà Phong của Công ty cổ phần Hà Phong(rộng41,8 ha). Nhưng đến thời điểm này, Hà Phong cũng mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng đường chính vào đô thị, các tuyến đường nội bộ còn thi công dang dở. Theo quy hoạch, dự án có 444 biệt thự, 278 nhà liền kề và một số chung cư cao tầng. Một số biệt thự đã hoàn thành việc xây thô nhưng chưa có người ở còn lại hầu hết diện tích khu đô thị đều bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu.


Khu đô thị Cienco 5 rộng 50 ha cũng trong tình trạng tương tự. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 8/2005, đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thành. Một số biệt thự xây thô xong không có người ở. Hàng trăm nền đất theo thông báo của chủ đầu tư thì đã được bán hết cho khách hàng nhưng đến nay hầu hết không xây dựng nhà ở, cỏ mọc um tùm.


Dự án Khu nhà ở Hoàng Vân (nằm giữa dự án Khu đô thị Hà Phong và Khu đô thị Cienco 5) được nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội quảng cáo là “cơ hội đầu tư số 1 tại Mê Linh” cũng nằm bất động từ hơn 1 năm nay. Dự án được phê duyệt từ năm 2008, thông báo khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm quý II/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có hạng mục nào được hoàn hành. Ngay dưới chân tấm biển giới thiệu dự án là khu ruộng cạn được người dân tận dụng trồng hoa màu chờ ngày dự án được triển khai xây dựng.


Bên cạnh Hà Phong, Cienco 5 còn có hàng loạt các dự án khu đô thị khác như Khu đô thị AIC, Diamond Park New, Khu đô thị Chi Đông, Khu đô thị Minh Giang Đầm Và… tình trạng còn bi đát hơn. Nhiều dự án không có đường vào, thậm chí nhiều dự án còn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Diện tích dự án hầu hết được người dân tận dụng trồng rau và hoa hồng.


Mặt bằng dang dở, vay vốn “tưng bừng”


Theo bản hợp đồng vay vốn giữa Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình (gọi tắt là Công ty Ba Đình, địa chỉ: số 19, ngõ 445, đường Lạc Long Quân, Hà Nội) và bà Lê Kim Nh ký ngày 3/12/2010, bà Nh đồng ý cho Công ty Ba Đình vay số tiền 1 tỷ 2 trăm triệu đồng trong thời gian 15 tháng không tính lãi. Đổi lại, Công ty Ba Đình cam kết trong tương lai, khi đủ điều kiện chuyển nhượng, sẽ nhượng lại cho bà Nh 01 lô đất tại dự án Khu nhà ở cao cấp Ba Đình giai đoạn I tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Diện tích lô đất là 150 m2 với mức giá 8 triệu đồng.


Dạo một vòng quanh một số trung tâm môi giới bất động sản tại khu vực xã Tráng Việt, huyện Mê Linh chúng tôi có trong tay nhiều bản hợp đồng vay vốn của Công ty Ba Đình với khách hàng để đầu tư vào dự án này. Điều đáng nói là nhiều bản hợp đồng trong số này được chủ đầu tư dự án là Công ty Ba Đình ký kết với khách hàng từ đầu tháng 12/2010; trong khi phải đến ngày 28/12/2010, UBND Thành phố Hà Nội mới ra quyết định cuối cùng về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án (Quyết định số 10635/UBND – TNMT).


Những “siêu đô thị” Mê Linh ôm đất, đọng vốn nằm...chờ chết
Dự án Hà Phong được chủ dự án huy động vốn từ lâu, nhưng nay dự án bị bỏ hoang khiến nhiều nhà đầu tư rót tiền vào dự án như đang ngồi trên... đống lửa!

Thực địa dự án Khu nhà ở cao cấp Ba Đình giai đoạn I (rộng 8,2 ha) tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội gần 2 chục cây số, đến thời điểm hiện tại, một phần dự án vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng bỏ hoang cỏ mọc; phần diện tích đã đến bù, giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa triển khai thực hiện được người dân tận dụng để trồng rau, hoa màu. Nhiều tỷ đồng của khách hàng mang tiếng là được vay để đổ vào dự án nhưng trên thực tế thì dự án hầu như không có tiến triển do chưa thể giải phóng mặt bằng.


Một dự án khác trên địa bàn huyện Mê Linh cũng chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nhưng cũng tiến hành huy động vốn “tưng bừng” là dự án Khu đô thị Minh Đức rộng 17,1 ha do công ty TNHH Minh Đức là chủ đầu tư.


Từ năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thực hiện dự án 2008 nhưng hiện tại Công ty TNHH Minh Đức vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, trên thị trường dự án này đã được chào bán cho các khách hàng dưới hình thức huy động vốn lên đến 80% tổng giá trị lô đất.


“Hoành tráng” nhất trong số các dự án bất động sản trên địa bàn huyện Mê Linh là Dự án Khu đô thị AIC do Công ty cổ phần AIC làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 94,3 ha đất nằm trên địa bàn 3 xã Tráng Việt, Tiền Phong, Mê Linh trong đó chủ đầu tư mới chỉ giải phóng được hơn 20 ha, còn lại 70 ha nằm chủ yếu xã Mê Linh vẫn đang là đất trồng hoa của các hộ nông dân. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã bỏ hàng chục tỷ đồng mua dự án này từ khá lâu, sau đó phân phối lẻ ra thị trường với tiền chênh ngoài hàng tỷ đồng/lô đất.


Tương lai… mờ mịt


Theo ông Đoàn Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh, dự án Khu nhà ở cao cấp Ba Đình cũng giống như nhiều dự án BĐS (bất động sản) khác trên địa bàn huyện Mê Linh đang “tắc” trong khâu giải phóng mặt bằng. Dự án trước đây mới giải phóng mặt bằng khoảng hơn 50% theo giá cũ. Hiện tại, một số hộ dân không đồng tình với mức đền bù này nên vẫn chưa bàn giao mặt bằng.


Trên địa bàn huyện Mê Linh không chỉ có dự án của Công ty Ba Đình lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án khác như: Dự án Khu đô thị Chi Đông của Công ty Vinaconex 9, Dự án Khu đô thị AIC của Công ty Cổ phần AIC, Dự án khu đô thị Minh Đức của Công ty TNHH Minh Đức… cũng lâm vào tình trạng tương tự.


Nguyên nhân của tình trạng này, ông Trọng cho biết, theo quy định trước năm 2008, mức giá đền bù tại các dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chỉ từ 14 đến 17 triệu đồng/sào (360 m2) nhưng kể từ năm 2008, theo mức giá đền bù mới, các chủ đầu tư phải đến bù cho người dân khoảng 100 triệu đồng/sào nên nhiều chủ đầu tư không đủ khả năng chi trả. Mặt khác, theo quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây, các dự án thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh phải có đất dịch vụ trả cho dân nhưng đến nay phần đất này cũng chưa có nên người dân chưa bàn giao đất canh tác.


Theo ông Trọng, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện chỉ còn khoảng 400 – 500 ha đất nông nghiệp dùng để trồng hoa. Giá trị mà người dân thu được từ 1 ha đất trồng hoa là rất lớn, từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm. Trong khi, đến thời điểm này, nếu vận dụng hết mức đền bù người dân cũng chỉ nhận được gần 300 triệu đồng/sào. Do đó, việc chuyển đổi đất hoa sang đất dự án là hết sức khó khăn. Một khi đã giao đất là hết, người dân không còn đất để trồng hoa!


Về việc các dự án được chủ đầu tư kêu gọi góp vốn và chuyển nhượng trên thị trường, ông Đoàn Văn Trọng cho hay, ông không biết gì về vấn đề này. “Dự án Ba Đình đến thời điểm này chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, do vậy các nhà đầu tư cũng cần xem xét khi đầu tư vào đây, hiện nay chủ đầu tư đang làm việc với huyện để bổ sung hỗ trợ. Các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư khi dự án đã giải phóng xong mặt bằng và làm hạ tầng. Để tránh tình trạng thất thiệt, các nhà đầu tư nếu mua đất những dự án này cần hết sức thận trọng”, ông Trọng nói!

Theo Nguyễn Hà (Phunutoday)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.