Khung cảnh hoang tàn và thành bãi thả bò của KCN Hoàng Mai.
Dư luận và nhiều người dân nơi đây cũng đã hình dung ra viễn cảnh tươi sáng của dự án này, thậm chí có người còn được chứng kiến tận mắt mô hình phối cảnh KCN lộng lẫy, trang hoàng, đẹp như mơ của dự án.
Ấy vậy mà, cho đến nay sau gần 6 năm, KCN Hoàng Mai ngoài một chiếc cổng chào hoành tráng và nhà điều hành đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhức nhối phía trong là sự hoang lạnh, đổ nát…
Vẻ hoang tàn KCN tiềm năng
Nằm trong kế hoạch phát triển vùng kinh tế nam Thanh - bắc Nghệ, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho xây dựng và phát triển KCN Hoàng Mai. Công trình do Cty CP Đầu tư Dầu khí VIP Việt Nam (PVCOM) làm chủ đầu tư.
Thời gian khởi công: 26/11/2008 và hoàn thành: 26/11/2011. Thế nhưng sau gần 6 năm kể từ ngày khởi công và triển khai xây dựng, ngoài một chiếc cổng chào hoành tráng nằm sát QL1A, tòa nhà điều hành cũng gần như bị bỏ không, KCN Hoàng Mai - dự án công nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An hiện nay vẫn chỉ là bãi đất hoang rộng lớn ngổn ngang cát đá, bê tông, sắt thép hoen rỉ và cỏ dại mọc um tùm.
Toàn bộ diện tích của KCN này hiện đang biến thành nơi chăn thả trâu bò tập trung của nhân dân địa phương….Tất cả hệ thống các nhà máy, xí nghiệp, công trình phụ trợ khác của dự án chiếm gần 290ha đất, toàn bộ số đất này đều thu hồi từ 15 khối xóm ở 3 địa phương của thị xã Hoàng Mai là P.Quỳnh Thiện (thị trấn Hoàng Mai cũ), xã Quỳnh Lộc, P.Quỳnh Dị với tổng kinh phí đầu tư hơn 812 tỷ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai buồn bã: “Các anh thấy đó, dự án KCN Hoàng Mai về có được lợi gì đâu, đất đai bị thu hồi rồi bỏ hoang lãng phí lắm. Hàng trăm hộ dân thì mất đất sản xuất phải lưu tán làm thuê khắp nơi. Nhìn cảnh hoang tàn này, dân chúng tôi không tha thiết gì với dự án này nữa”.
Khi niềm tin đã mất dần
Xã Quỳnh Lộc là địa phương cùng với P.Quỳnh Thiện và P.Quỳnh Dị của thị xã Hoàng Mai bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Hoàng Mai. Toàn xã có 6/11 thôn xóm có diện tích đất bị thu hồi cho KCN gồm thôn 6, 7, 8, 9A, 9B và thôn 10 với tổng diện tích đất là 153ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Mất đất, mất ruộng, người dân nơi đây đang ngày ngày phải đối mặt với cuộc mưu sinh vất vả.
Anh Nguyễn Văn Hà là một trong những người dân chịu cảnh khổ từ hệ lụy của dự án, trú tại thôn 8 xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai cho biết: Gia đình anh đã tích cực thực hiện chủ trương giao đất cho KCN với sự hy vọng đổi thay vì tin tưởng vào các cấp chính quyền tuyệt đối.
Thế nhưng, từ ngày mất hơn 5 sào ruộng mỗi năm 3 vụ của mình để nhường đất lại cho KCN Hoàng Mai, gia đình anh lâm vào tình trạng không nghề nghiệp. Từ ngày nhường đất cho KCN vợ chồng anh phải chạy khắp nơi tìm việc nuôi 5 miệng ăn trong nhà, ai thuê gì thì làm nấy.
Riêng anh, vừa làm nghề thợ xây, vừa buôn bán trâu bò để kiếm thêm thu nhập. Buôn bán tùng tiệm, đi xây thì không có công trình, anh Hà bèn theo các hộ dân khác KCN để xới lại đất trồng lúa, trồng lạc.
Biết thế là sai, vì đất đã giao rồi, tỉnh cũng chưa có quyết định thu hồi, thế nhưng không làm thì lấy gì mà ăn?
“Chúng tôi nông dân thuần túy, bây giờ mất ruộng rồi, giấc mơ công nhân cũng đã xa vời, nghành nghề chuyển đổi thì chưa được học 1 nghề gì cả... Nhìn đất bỏ hoang mà xót xa lắm…”, anh Hà nói thêm.
Khi chúng tôi đến địa phận đồng cây Mưng thuộc đất xóm 8 xã Quỳnh Lộc để chứng kiến cảnh hàng chục hộ dận thiếu đất sản xuất kéo nhau vào cày xới lại đất đã giao cho KCN bỏ hoang để canh tác.
Phối cảnh KCN Hoàng Mai trên giấy.
Anh Nguyễn Đức Hoài nhà ở thôn 9A đang có mặt tại đây cho hay: “Nhà có 5 sào đất nhưng đã nhường hết cho dự án khu công nghiệp từ năm 2010. Hơn 2 năm ngồi chơi, có tiền đền bù nhưng không có việc làm nên đã tiêu hết. Thấy đất bỏ hoang tiếc quá nên đã vào đây vỡ đất làm thêm. Xóm tôi cũng có 3 hộ vào làm. Lúc nào dự án lấy thì mình trả. Nghe họ hứa tổ chức học nghề, tạo việc làm tại khu công nghiệp cho những hộ mất đất nhưng chúng tôi chưa được học hành gì. Dân vốn đã khổ lại càng khổ thêm”.
Dự án KCN Hoàng Mai có rất nhiều bất cập chúng ta đã thấy rõ như lãng phí về tài nguyên đất, vốn giải phóng mặt bằng, các công trình hư hỏng, xuống cấp... nhưng điều đáng quan tâm lớn nhất là niềm tin của nhân dân đang mai một vì phải chờ đợi.
Nhân dân muôn đời này gắn liền với đất. Bài toán ly nông không ly hương đã lâm vào tình trạng không lời giải vì người dân không được học ngành nghề phụ để sản xuất kinh doanh sau khi bàn giao đất, trong lúc giấc mơ công nhân đã tan như bọt bóng xà phòng.
Những vấn đề, bài toán nêu trên dư luận và nhân dân đang chờ câu trả lời từ lãnh đạo chính quyền các cấp ngành của tỉnh Nghệ An!