Đến năm 2030 dân số Việt Nam dự kiến 110-115 triệu dân, trong đó có khoảng 55% dân số sống trong đô thị, đất đô thị sẽ mở rộng thêm khoảng 2 triệu ha.

Tại hội thảo về quy hoạch sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 5/8/2011, ông Tôn Gian Quyền –Chuyên gia cao cấp Hội khoa học đất Việt Nam đã đưa ra những con số dự báo về kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Những con số này cho thấy, trong thời gian tới, đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang phi nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa là rất lớn.


Hiện tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam ở mức khoảng trên 30%, đây là mức dưới trung bình so với thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh ở nước ta, và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó việc quy hoạch sử dụng đất cũng đang là vấn đề được quan tâm. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với lĩnh vực phát triển thị trường bất động sản.


Những con số đáng chú ý trong Dự thảo quy hoạch sử dụng đất 2011 – 2020


450.000 – 500.000 ha đất nông nghiệp sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp: Đất nông nghiệp đang chịu sức ép lớn của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Quỹ đất lúa hiện nay của nước ta khoảng 4,1 triệu ha. Trong vòng 20 năm tới để đảm bảo mục tiêu phát triển và đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, dự báo sẽ phải tiếp tục chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp khoảng 450 – 500 nghìn ha đất trồng lúa. Theo dự báo thì đến năm 2030 dân số cả nước đạt khoảng 110 – 115 triệu dân, và cần khoảng 3,8 triệu ha đất trồng lúa với năng suất tương đương với Nhật khoảng 62 tạ/ha thì mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu. Với tốc độ đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới thì để đảm bảo duy trì 3,8 triệu ha là rất khó khăn.


Đất khu công nghiệp tăng thêm khoảng trên 300.000 ha: Đất khu công nghiệp: Hiện nay cả nước có khoảng 82 nghìn ha đất khu công nghiệp, dự báo đến năm 2020 con số này sẽ được ổn định ở mức 350 – 400 nghìn ha gồm các khu công nghiệp chế biến, chế tác, công nghệ cao, năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất,…để đưa tỷ trọng GDP công nghiệp của cả nước từ 40% hiện nay lên mức 60%.


Đất đô thị tăng thêm khoảng 2 triệu ha: Đất đô thị sẽ mở rộng khoảng 2 triệu ha để đảm bảo đời sống cho 55% dân số cả nước với chất lượng cao phát triển theo mô hình mạng lưới, có sự liên kết theo cấp bậc của từng loại đất đô thị, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.


200 đô thị tăng thêm: Dự tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 950 đô thị, mức độ đô thị hóa khoảng 45% với diện tích là 1,7 triệu ha. Dự báo cần khoảng 1,8 – 2 triệu ha để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, năng lượng, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, giáo dục –đào tạo khi đất nước phát triển. Đến năm 2020 dự báo diện tích đất phục vụ cho vấn đề này là khoảng 1,4 triệu ha tăng khoảng 300 nghìn ha so với năm 2008.


Theo T.S Trần Kim Chung – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, còn nhiều bất cập trong quy hoạch. Giữa quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội, quy hoạch ngành còn chồng chéo. Nhiều nội dụng quy hoạch sử dụng đất ở các đô thị chỉ mang tính thống kê về số liệu và tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các ngành tại địa phương,...không phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường. Quy hoạch sử dụng đất hay quy hoạch xây dựng đều căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội nhằm bố trí mục đích sử dụng trên một đối tượng duy nhất là đất đai sẽ không cần thiết…


Những bất cập này không chỉ tồn tại trong chính nội tại từng quy hoạch mà còn giữa các loại quy hoạch với nhau, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Theo Bình An (CafeF/TTVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.