Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất
Theo quy định mới, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhằm giúp ổn định đời sống và sản xuất khi thu hồi đất.
Đối với cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi từ 30 đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) hoặc 12 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở); trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, thời gian hỗ trợ là 12 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở); 24 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở) hoặc tối đa 36 tháng (nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn).
Mức hỗ trợ trong thời gian nêu trên được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong một tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương. Riêng đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, mức hỗ trợ ổn định sản xuất được tính bằng tiền, cao nhất bằng 30%/ năm thu nhập sau thuế theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó.
Nội dung trên quy định tại nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 và thay thế Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004.
Đất thuộc loại đất nào thì áp dụng khung giá đất của loại đó
Đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất; trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% phải báo cáo Bộ TNMT xem xét, quyết định.
Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường thì căn cứ vào thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Bảng giá đất được điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; hoặc khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên. Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Được gia hạn đối với tiến độ sử dụng đất
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về thời điểm tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm như sau: Theo đó, đối với dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì cho phép chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng tính từ tháng thứ 13 kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.
Trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm kết thúc việc đầu tư xây dựng. Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Tăng thời hạn giao đất nông nghiệp
Từ ngày 1/7, thời hạn cho thuê đất; giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tăng lên 50 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp còn lại vẫn giữ nguyên ở mức tối đa 70 năm đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm; 99 năm đối với thuê đất xây trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao và 70 năm đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
Bên cạnh đó, Luật cũng cho phép nhà đầu tư được tiếp tục chậm sử dụng đất thêm 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn, nếu đất vẫn chưa được đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.
Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Và các chính sách khác cũng có hiệu lực trong tháng 7:
Đại biểu Quốc hội phải tiếp công dân khi có yêu cầu
Ngày 15/05/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo đó, từ ngày 1/7, trường hợp công dân yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân; trường hợp chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội yêu cầu Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội cử người nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.Việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được thực hiện tại trụ sở tiếp công dân tỉnh hoặc nơi do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí.
Đại biểu Quốc hội phải thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã được công bố; trường hợp không thể tham gia tiếp công dân theo lịch, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để điều chỉnh lịch; đồng thời dự kiến thời gian cụ thể thực hiện việc tiếp công dân.
Bán hàng đa cấp phải có vốn tối thiểu 10 tỷ đồng
Đây là nội dung mới quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bàn hàng đa cấp (BHĐC). Theo đó, nghiêm cấm các doanh nghiệp BHĐC yêu cầu người tham gia bán hàng phải đặt cọc, đóng tiền hoặc mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới BHĐC. Cấm cho người tham gia BHĐC nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia BHĐC; yêu cầu người tham gia phải tuyển dụng thêm người mới. Cấm BHĐC theo mô hình kim tự tháp và cản trở người ban hàng trả lại hàng hóa. Cấm người tham gia BHĐC lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc hoặc ép buộc ngưới tham gia BHĐC.
Nghị định cũng quy định DN đăng ký BHĐC phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. DN phải ký quỹ một khoản tiền bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại ngân hàng. Việc ký quỹ là nhằm đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia BHĐC khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Quy định có hiệu lực từ ngày 1-7.
Thêm đối tượng được hỗ trợ tiền khi nghỉ phép về thăm gia đình
Từ ngày 1/7, những người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi được thủ trưởng đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán thì được thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường (quy định hiện hành chỉ gồm cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo). Thông tư 57/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định.
Quy định mới cũng sửa đổi quy định về điều kiện thanh toán tiền phương tiện, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm: cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần và chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm; thay vì nghỉ phép của năm nào chỉ được thanh toán trong năm đó như quy định trước đây.
DN kinh doanh vận tải biển phải có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng
Từ 1/7, điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển bao gồm: Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải biển; DN kinh doanh vận tải biển phải có bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, an ninh, hoạt động khai thác. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực khai thác tàu biển phải có bằng đại học về một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khai thác tàu biển tối thiểu 03 năm. Ngoài ra, DN kinh doanh vận tải biển phải có vốn hoặc tài sản khác tối thiểu tương đương 20 tỷ đồng nếu kinh doanh vận tải biển quốc tế và 05 tỷ đồng nếu kinh doanh vận tải biển nội địa.
Cảnh sát cơ động được quyền huy động phương tiện của cá nhân
Ngoài việc không được lạm dụng, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Pháp lệnh còn nghiêm cấm tổ chức, điều động, sử dụng cảnh sát cơ động trái với quy định của pháp luật; chống lại hoặc cản trở cảnh sát cơ động thi hành công vụ; giả danh cảnh sát cơ động; sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận của cảnh sát cơ động và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến cảnh sát cơ động.
Ngoài ra, Pháp lệnh cho phép cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức trong tình thế cấp thiết xử lý các tình huống bạp loạn vũ trang, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí hoặc để đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn.
Đây là quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23/12/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.