Nhà thầu trong nước sẽ không thể chỉ đóng vai nhà thầu phụ ngay trên sân nhà
“Lép vế” trước các nhà thầu ngoại
Thị trường xây dựng nói riêng và mua sắm công ở Việt Nam nói chung những năm qua đã chứng kiến không ít cảnh nhà thầu ngoại “lấn sân”, chèn ép nhà thầu nội, đặc biệt là đối với các gói thầu quy mô lớn và công nghệ phức tạp.
Theo đại diện của Bộ Giao thông - Vận tải, khi tham gia các gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế, hồ sơ dự thầu của nhà thầu nội thường gặp bất lợi bởi các đối thủ cạnh tranh là các nhà thầu ngoại lớn mạnh đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm tham dự đấu thầu lĩnh vực này. Và nhiều nhà thầu nội đã phải ngậm ngùi thua cuộc, dù rằng sau khi nhà thầu ngoại trúng thầu phần lớn công việc của gói thầu là do nhà thầu nội và lao động người Việt triển khai, thực hiện.
Theo ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hầu hết các nhà thầu ngoại khi sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội công việc thường chỉ mang theo công nghệ và những vị trí nhân sự chủ chốt với mức lương cao như: giám đốc điều hành, tổng giám đốc… Sau khi trúng thầu tại Việt Nam thì các nhà thầu ngoại lại giao hoặc thuê nhà thầu Việt Nam thực hiện.
Ở hiện trường thi công các công trình do nhà thầu ngoại trúng thầu thì phần lớn vẫn là lao động và nhân sự người Việt Nam từ các vị trí văn phòng công trường, công nhân, kỹ sư đến giám đốc thi công, giám đốc khối lượng, giám đốc an toàn công trình, tổng phụ trách về bản vẽ thi công, giám đốc nhân sự…
Vì vậy, ông Dương Văn Cận cho rằng, Nhà nước cần phải nghiên cứu và có cơ chế “đủ mạnh” nhằm hỗ trợ hơn nữa nhà thầu nội để họ có chỗ đứng thực sự tại những phần công việc do họ làm chứ không phải chỉ ở “vai” của nhà thầu phụ.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ở một số công trình lớn, nhà thầu nội vẫn có thể đảm nhận và hoàn thành tốt yêu cầu mà dự án đặt ra.
Điển hình là cuối năm 2012, khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là lớn nhất Đông Nam Á, về đích trước 3 năm đã khẳng định vị thế, sức mạnh nội lực tổng hợp của nhà thầu nội. Công trình Thuỷ điện Sơn La hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công (từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do các đơn vị của Việt Nam thực hiện), ta chỉ thuê chuyên gia nước ngoài giúp hỗ trợ giám sát.
Sẽ tạo cơ hội cho nhà thầu nội trúng thầu
Theo nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Nhà nước sẽ có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu nội trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước.
Cụ thể, tại Điều 5 Dự thảo Luật yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham gia dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Quy định nêu trên nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo việc làm cho lao động trong nước; đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 14 Dự thảo Luật quy định đấu thầu quốc tế được áp dụng trong trường hợp:
(a) gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi theo yêu cầu của nhà tài trợ;
(b) gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng hoặc không thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được trừ trường hợp gói thầu mua sắm hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhưng thông dụng và được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam;
(c) gói thầu dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu hoặc đã tổ chức đấu thầu trong nước nhưng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu; và (d) dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định tại Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật, trừ trường hợp hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 12 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhà thầu trong nước và nhà thầu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước cũng sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước trong đấu thầu quốc tế, cụ thể là trong các trường hợp:
(a) Nhà thầu trong nước khi tham dự thầu quốc tế gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp;
(b) Nhà thầu liên danh khi có thành viên trong liên danh là nhà thầu trong nước đảm nhận công việc có giá trị trên 50% đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp;
(c) Nhà thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại Điều 12 và Điều 14, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về trường hợp áp dụng đấu thầu trong nước và đấu thầu quốc tế. Theo đó, đấu thầu trong nước được áp dụng đối với trường hợp:
(a) có nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của gói thầu (trừ trường hợp gói thầu ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ);
(b) hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được;
(c) hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhưng thông dụng và được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam.
Với các quy định liên quan đến ưu tiên đối với nhà thầu và hàng hóa trong nước như nêu trên sẽ tạo cơ hội cho nhà thầu nội trúng thầu và tạo việc làm cho lao động Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong nước.
Hy vọng, sau khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ban hành sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng nhà thầu Việt thua trên sân nhà.