21/04/2012 3:24 PM
Rất nhiều khu du lịch lớn, được đầu tư đồng bộ, ở Bà Rịa- Vũng Tàu đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi hiện tượng biển xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng suốt dọc bãi biển từ Vũng Tàu tới Bình Châu. Chính quyền địa phương, dù đã có rất nhiều cố gắng, vẫn chưa thể tìm được giải pháp hữu hiệu đối phó với hiện tượng này. Còn các nhà đầu tư hiện đang như ngồi trên đống lửa…

Theo bà Châu Thị Liên, quản lý Khu du lịch Gió Biển (huyện Xuyên Mộc), hiện tượng biển xâm thực đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở nên gay gắt. Nếu những năm trước đây biển chỉ “ăn” vào đất liền từ 0,5 đến 1m thì một vài năm trở lại đây biển lấn vào hàng mét. Khu du lịch Gió Biển trước có xây dựng một hồ bơi giờ đã bị biển “nuốt” mất. Chủ đầu tư tiếp tục xây một hồ bơi mới lùi sâu vào 5m nhưng mấy tháng gần đây nhiều hôm triều cường nước biển đã vào sát bờ hồ.


“Chúng tôi rất lo lắng trước tình trạng biển xâm thực quá nhanh như hiện nay, và nguy cơ mất khu du lịch là hoàn toàn có thể xảy ra nếu chính quyền không có một giải pháp đối phó hiệu quả”, bà Liên cho biết.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lệ Dung, chủ quán ăn Thanh Thanh, từ đầu năm đến nay, tình trạng biển xâm thực đất liền diễn ra rất nghiêm trọng. Trong tháng một vừa qua có đến mấy lần nước biển tràn vào quán ăn. Để đối phó, quán Thanh Thanh phải dùng tôn và bao cát để chắn ngoài mép biển. Bà Dung cho biết, năm 1996, quán Thanh Thanh còn cách mép biển hàng km, giờ chỉ còn vài mét. Đại diện Khu du lịch Hồng Hà, một trong những khu du lịch bị biển xâm thực nặng nhất, cho biết, thời gian qua, khu du lịch đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ ngăn chặn tình trạng biển xâm thực diễn ra rất nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể gì.


Tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), con đường dẫn ra bờ biển đã bị hở hàm ếch. Trước đây, điểm cuối của con đường này cách điểm hiện tại hơn 100m. Dấu vết còn lại là những tảng bê-tông nằm chỏng chơ, lộn xộn giữa nước biển. Sợ du khách đi quá đà lao xuống biển, người dân phải dùng hai chiếc ghế và một thanh gỗ ngang chắn lại làm ba-ri-e. Đêm 10-1-2012, nước biển đã tràn vào đánh sập một căn nhà gỗ, ba chòi lợp ngói và ba căn bungalow của khu du lịch Hồng Hà, thiệt hại khoảng vài tỉ đồng. Hàng loạt khu du lịch như Hương Phong (Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồng Phúc (Việt - Nga Vietsovpetro), Hồ Tràm - Sanctuary, Cát Tiên... lâm vào tình cảnh tương tự. Mới đây nhất, ngày 17-2, khu du lịch Biển Xanh bị nước biển “nuốt chửng” một nhà hàng. Theo Ban quản lý các khu du lịch huyện Xuyên Mộc, nước biển ở xã Phước Thuận đã ăn sâu vào trong đất liền hơn 100m.


Lúng túng tìm giải pháp


Theo quy luật tự nhiên, quá trình biển lấn đất liền bắt đầu diễn ra từ tháng 11, đỉnh điểm vào tháng 12 hằng năm và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, trước đây tình trạng xói lở diễn ra với tốc độ chậm, mỗi năm biển chỉ xâm thực từ 1-2m nhưng vài năm gần đây hiện tượng này đã trở nên đáng báo động. Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các khu vực bị xâm thực, xói lở nghiêm trọng nhất là: Trại Nhái, Phước Tỉnh, Lộc An, Bình Châu, Hồ Cốc-Hồ Tràm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sóng, gió và dòng chảy tác động mạnh vào vùng bờ. Tuy nhiên ngoài các yếu tố tự nhiên, còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng do chính con người gây ra, đó là tình trạng khai thác cát bừa bãi, không hợp lý gây xói lở ở khu vực cửa sông và vùng ven biển.

Để hạn chế thiệt hại do hiện tượng biển xâm thực gây ra, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lớn ven biển tại Xuyên Mộc đã đầu tư xây kè chắn xói lở. Các doanh nghiệp nhỏ, kinh phí ít thì tận dụng tre, gỗ, bao cát làm “kè chắn sóng”. Mặc dù mỗi năm các doanh nghiệp này phải bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng xem ra việc giành đất với biển vẫn không mấy hiệu quả.


Trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Trần Minh Sanh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các địa phương tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở ven biển trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khả thi để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và các nhà khoa học, đây là quá trình mất rất nhiều thời gian, bởi cần phải có những nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu về quy luật thủy động học, địa hình, địa chất cho từng khu vực, mới có thể quyết định chọn lựa một giải pháp phù hợp. Và đương nhiên, chưa thể có ngay một giải pháp khả thi ngăn chặn tình trạng biển đang “nuốt” dần các khu du lịch như hiện nay ở Bà Rịa- Vũng Tàu.

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.