04/12/2014 9:36 PM
Trong phần nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư, tái định cư tại các khu đô thị đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhận định, hiện nay nhiều dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố không có diện tích cho khu vui chơi trẻ em…
Theo ĐB Nguyễn Hoài Nam, tại nhà tái định cư hiện nay dành diện tích cho thuê kinh doanh dịch vụ không thấy báo cáo, diện tích này có giao cho ban quản trị hay không. Đặc biệt, nhiều dự án nhà chung cư, tái định cư không có diện tích làm sân chơi cho trẻ em ở các tòa nhà, kể cả chung cư thương mại cũng không có. ĐB Nam đặt câu hỏi Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng khi phê duyệt dự án có quy hoạch diện tích này không? Quy chuẩn phê duyệt cho các khu đô thị như thế nào? Trong khi đó chúng ta có quy định dành đất cho trường học, y tế, khu vui chơi trẻ em...
Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Xuân Dục cho biết, các đại biểu nêu rất đúng về kinh doanh tầng 1. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ XD thì toàn bộ kinh phí kinh doanh tầng 1 chuyển về Kho bạc NN và trên cơ sở đó, Sở Tài chính giữ. Sau đó trích ra nếu nhà chung cư, tái định cư thiếu vốn bảo trì. Tuy nhiên, hai công ty vận hành nhà không đạt yêu cầu và chúng tôi đã báo cáo thành phố và rà soát mô hình của công ty này để tìm ra mô hình phù hợp hơn. Hiện Sở Xây dựng đã rà soát, có 96/139 tòa nhà sẽ được thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh tầng 1 và sẽ báo cáo TP…

Liên quan đến câu hỏi về bảo hiểm nhà chung cư, nhà chung cư cao tầng từ 5 tầng trở lên bắt buộc phải mua tham gia bảo hiểm cháy nổ và việc mua bảo hiểm này không thay thế về phòng cháy chữa cháy? Hiện nay các nhà chung cư, cả chung cư tái định cư thực hiện mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu? Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy nếu dùng kinh phí của ngân sách mua thì rất khó nên Sở chưa đưa vào. Ngoài ra, đối với chủ đầu tư đã mua và cơ bản hoạt động tốt.

Về việc quản lý nhà chung cư, tái định cư đã đảm bảo đủ các điều kiện theo quyết định của UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với chung cư thì phải gắn với chủ đầu tư. “Tôi nghĩ là các đại biểu nêu rất đúng vì đối với các đơn vị quản lý, nhà đầu tư, người sử dụng thì đúng là người ở khu nhà đó không có chuyên môn. Phải gắn việc quản lý nhà đó với toàn bộ chủ đầu tư để họ vận hành tốt hơn…” - ông Dục nói.

Về việc các đại biểu nêu vấn đề cải tạo chung cư cũ đến nay vẫn vướng mắc, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Xuân Dục cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.516 chung cư cũ cao từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, tập trung chủ yếu ở 04 quận nội thành. Đến nay, nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại. Việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ luôn được sự quan tâm của Trung ương và Thành phố.

Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách còn vướng mắc, phương thức đầu tư... Mặt khác, thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng, sức mua giảm, việc huy động vốn các dự án gặp nhiều khó khăn, mặt khác khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại các dự án đầu tư. Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tạo và bố trí quỹ nhà tạm cư để di dời dân khi thực hiện dự án xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ theo quy định phải có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp, do vậy không có sự đồng thuận của đa số người dân thì dự án không thực hiện được, mặt khác chủ sở hữu căn căn hộ tầng 1 đòi hỏi nhiều về quyền lợi, không ủng hộ dự án. Nhiều trường hợp đã có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án...

Thành phố đã đưa ra giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo chung cư là tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để sớm hoàn thiện, báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đảm bảo tính khả thi của Dự án.

TP Hà Nội ưu tiên quy hoạch trong việc cải tạo các chung cư cũ.

Trước mắt, tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các chung cư cũ đang xây dựng như C7 Giảng Võ hoàn thành tháng 1/2015, chung cư N3 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ hoàn thành tháng 9/2015; đồng thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án C1 Thành công, C8 Giảng Võ…

Đối với vấn đề khớp nối về hạ tầng đô thị, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Xuân Dục hiện nay có 4 khớp nối về hạ tầng đô thị và Sở xác định rõ các công trình hạ tầng khung bằng nguồn ngân sách thành phố. Cũng liên quan đến vấn đề này, trách nhiệm của UBND các quận, huyện trong giải phóng mặt bằng, thứ nhất là việc đấu nối khu đô thị với khu dân cư cũ và đấu nối với hạ tầng khung bên ngoài, chẳng hạn như khu đô thị Đặng Xá đấu nối với đường 5 thì người dân có ý kiến là chật chội. Và với việc đấu nối 573 khu đô thị thì có 357 khu đô thị đã và đang thực hiện đấu nối, trong đó còn lại 30 đô thị nằm trong chủ trương… Ngoài ra, liên quan đến các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND TP và sẽ có báo cáo giải trình bằng văn bản.

Phát biểu kết luận vấn đề cải tạo chung cư cũ, khớp nội hạ tầng, quản lý chung cư, tái định cư, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thành khẳng định tán thành cơ bản tán thành với các đánh giá thực trạng, nguyên nhân, nhất là các giải pháp của UBND TP. Cụ thể, xung quanh vấn đề xây dựng khớp nối hạ tầng có 6 giải pháp, cải tạo chung cư cũ cũng có 6 giải pháp, quản lý chung cư, tái định cư có 5 giải pháp. “Chúng tôi mong muốn cùng với việc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu là UBND TP chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp với từng vấn đề đã nêu...” - Chủ tịch HĐND TP nói.

Chủ tịch HĐND nhấn mạnh, HĐND có Nghị quyết 07 về việc triển khai Luật Thủ đô liên quan đến việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và xã hộ một số biện pháp cải tạo. Đề nghị UBND TP có kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện NQ này. Đồng thời mong muốn UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng xã hội…

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP, Sở Xây dựng cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong việc hình thành ban quản trị, các vấn đề dân sinh ở khu chung cư, tái định cư, khu đô thị, có kiểm tra để sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích 2% quỹ bảo trì nhà chung cư, tái định cư, rà soát mô hình để đi đến chấn chỉnh hoạt động của Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội theo hướng hiệu quả…
Nhóm PV (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.