Các ki-ốt bán thuốc tại số 95 Láng Hạ của TCT dược Việt Nam buộc phải di dời, nhưng vẫn chưa thực hiện - ảnh: Anh Vũ
Các tập đoàn, tổng công ty “ôm” nhiều đất nhất
Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (QLCS), đất
công chủ yếu rơi vào tay các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà
nước. Nhiều nhất phải kể đến hai “đại gia” là TCT lương thực miền Nam và
TCT lương thực miền Bắc. Trong đó, TCT lương thực miền Nam đang đứng
đầu sở hữu nhà, đất công. Tiếp đến là các TĐ như Vinashin, Dầu khí, TCT
hóa chất, TCT hàng hải... Điều đáng nói, chính các TĐ, TCT trên đang sử
dụng đất công sai mục đích nhiều nhất như dùng trụ sở cho thuê, mượn,
xây cao ốc, nhà cao tầng…
Đơn cử, tại cơ sở nhà đất số 95 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội (gồm 3.000m2 đất, diện tích sàn xây dựng 1.480m2)
của TCT dược Việt Nam, Cục QLCS và UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị
Bộ Y tế chỉ đạo TCT dược Việt Nam thực hiện di dời các hộ đang sử dụng
các ki-ốt sai mục đích và dừng ngay việc cho thuê sai mục đích.
Dù quyết định này được đưa ra từ cuối năm ngoái, nhưng đến ngày 12.7
vẫn chưa có ki-ốt nào đóng cửa, thực hiện di dời. Mọi hoạt động buôn bán
của các ki-ốt vẫn diễn ra sôi động hằng ngày. Trong khi đó, đây là khu
đất vàng, tiếp giáp với hai mặt phố Láng Hạ và Thái Thịnh.
Đối với cơ sở đất ở số 1 ngõ 135, phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội thuộc sở hữu của TCT thiết bị y tế VN (có diện tích 162m2, diện tích sàn 635,2m2), Cục QLCS yêu cầu TCT này dừng ngay việc dùng một phần của khuôn viên để cho thuê, mượn.
Tại TP.HCM, các TCT thuộc Bộ Y tế còn 3 cơ sở đất bị vướng mắc, sử dụng sai mục đích chưa được tháo gỡ. Trước đó, vi phạm của TCT đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) trong quản lý, sử dụng khu đất mặt đường tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cũng được nhiều phương tiện truyền thông đề cập. Mặc dù chỉ được Nhà nước cho thuê thời hạn ngắn nhưng TCT kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực (nay đã sáp nhập vào Handico) ký hợp đồng cho Ngân hàng NN-PTNT thuê tới 30 năm. Dựa vào hợp đồng trái pháp luật này, ngân hàng đã xây dựng tại đây cả một cao ốc 9 tầng và một tòa nhà 5 tầng trên diện tích hơn 1.500m2 đất.
Kiên quyết thu hồi
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục QLCS, hiện nay trên cả nước có khoảng gần 70.000 cơ sở nhà, đất với hơn 5 tỉ m2 đất và khoảng 83 triệu m2 nhà. Trong đó, tập trung chủ yếu ở TP.HCM (hơn 10.000 cơ sở) và Hà Nội (hơn 8.000 cơ sở). Hiện TP.HCM đã cơ bản sắp xếp xong và đưa ra được các phương án xử lý. Còn Hà Nội, mới chỉ 50% đơn vị thực hiện, số còn lại nếu nhanh cũng phải đến cuối năm 2011, còn chậm thì giữa năm 2012 mới thực hiện xong. Các bộ, ngành tỉnh thành khác cũng đã vượt quá tiến độ và phải đến cuối năm mới hy vọng hoàn thành. |
Mặc dù, phương án xử lý của Nhà nước đối với nhà đất công khá “thoáng”, cho phép đơn vị hành chính sự nghiệp khi sắp xếp lại vẫn được giữ nguyên 100% nhà, đất; các TCT, TĐ tùy từng khu vực như Hà Nội và TP.HCM được giữ lại 50%; các tỉnh, thành khác giữ lại 70%. Thế nhưng, việc thực hiện diễn ra chậm chạp, chây ì. Nhiều TCT, cơ quan nhà nước có khu đất vàng, đắc địa dù không được cho mượn, cho thuê nhưng vẫn cố giữ không chịu chuyển đổi, chuyển nhượng, mua bán gây lãng phí lớn. Đây là lý do, tiền nhà nước thu về ngân sách qua sắp xếp lại tuy có tăng (đơn cử ở TP.HCM đã thu được 20.000 tỉ đồng) nhưng con số đó so với hàng tỉ m2 đất, hàng triệu m2 nhà rõ ràng là chưa tương xứng.
Theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, hiện nay phần lớn đơn vị có nhà đất công đều vin vào lý do lịch sử để lại, cán bộ công nhân viên lấn chiếm, do người tiền nhiệm quyết định… Tuy nhiên, dù lý do gì đi nữa thì tới đây nếu cơ sở đất nào sử dụng sai mục đích, không thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị kiên quyết thu hồi lại.