Thống kê mới đây của Cục Quản lý công sản cho thấy, vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước chậm xử lý việc cho thuê nhà, đất công sai mục đích.
Nhiều cơ quan nhà nước sử dụng đất công sai mục đích
Cơ sở 95, Láng Hạ, Hà Nội đang được Tổng công ty Dược Việt Nam sử dụng sai mục đich. Ảnh: Đức Thanh

Theo Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan, tổ chức nhà nước sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, thu hồi cơ sở, đất công sử dụng sai mục đích và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đến nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa hoàn thành yêu cầu trên. Bên cạnh đó, việc thực hiện các phương án xử lý như bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra khá chậm. Không những thế, nhiều tập đoàn, tổng công ty đang sử dụng đất công vẫn tiếp tục cho thuê, xây cao ốc, nhà cao tầng… sai phép.

Xin nêu một trường hợp điển hình là Bộ Y tế. Qua theo dõi, kiểm tra, Cục Quản lý công sản và UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo Tổng công ty Dược Việt Nam dừng ngay việc sử dụng sai mục đích cơ sở đất tại số 95, Láng Hạ, Hà Nội (diện tích 3.000 m2, diện tích sàn 1.480 m2). Đồng thời, phải dừng cho thuê ki - ốt làm quầy bán thuốc và thực hiện việc di dời. Dù quyết định được đưa ra từ cuối năm 2010, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có ki - ốt nào đóng cửa.


Đối với cơ sở tại số 1, ngõ 135, phố Núi Trúc, quận Ba Đình (Hà Nội), thuộc sở hữu của Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Bộ Y tế (có diện tích 162 m2, diện tích sàn 635,2 m2), Cục Quản lý công sản yêu cầu dừng ngay việc dùng một phần của khuôn viên để cho thuê, mượn trái phép.


Tại TP.HCM, các tổng công ty thuộc Bộ Y tế còn có 3 cơ sở có đất sử dụng sai mục đích chưa được xử lý.


Trước đó, vi phạm của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) trong quản lý, sử dụng khu đất mặt đường tại số 4, Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cũng được cơ quan chuyên trách quản lý công sản nêu ra và yêu cầu xử lý. Mặc dù chỉ được Nhà nước cho thuê thời hạn ngắn, nhưng Tổng công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực (nay đã sáp nhập vào Handico) ký hợp đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tới 30 năm. Dựa vào hợp đồng cho thuê trái pháp luật này, Ngân hàng đã xây dựng tại đây cả một cao ốc 9 tầng và một toà nhà 5 tầng trên diện tích đất rộng hơn 1.500 m2.


Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, bên cạnh tổng số tiền thu được từ việc bán, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất khoảng 20.000 tỷ đồng, TP.HCM đã cơ bản sắp xếp và đưa ra được các phương án xử lý. Còn ở Hà Nội, mới chỉ 50% đơn vị thực hiện theo yêu cầu. Dự kiến, có thể đến giữa năm 2012 mới có thể thực hiện xong.


Qua theo dõi, rà soát, Cục Quản lý công sản đã thu hồi hàng loạt diện tích đất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vinashin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và mới đây nhất là Tổng công ty Lương thực miền Nam.


Hiện nay, phương án xử lý của Nhà nước đối với nhà công, đất công là cho phép đơn vị hành chính sự nghiệp khi sắp xếp lại vẫn được giữ nguyên 100% nhà, đất. Các tỉnh, thành phố khác giữ lại 70%, còn riêng các tập đoàn, tổng công ty ở Hà Nội và TP.HCM vẫn được giữ lại 50%. Dù chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động, nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn trây lỳ không chịu thực hiện. Lý do chủ yếu được họ “vin” vào là do lịch sử để lại, cán bộ, công nhân viên lấn chiếm trái phép…


Trước tình hình này, một vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu nhà công, đất công nào sử dụng sai mục đích, không thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị kiên quyết thu hồi
Theo Hữu Tuấn (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.