“Chính UBND quận 12 đã cấp phép cho chúng tôi xây biệt thự. Vậy mà nhà vừa xây xong, quận lại yêu cầu phải tháo dỡ để lấy đất xây Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát”. Nhiều hộ dân phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM bày tỏ. Trước đó, Pháp Luật TP.HCM ngày 24-8 từng phản ánh về vấn đề này.
Mất trắng nhiều tỉ đồng
Năm 2001, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM. Theo đó, Nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát (gọi tắt là Nhà máy TL-BC) quy mô 11 ha được đặt tại phường An Phú Đông.
Đến năm 2003, tại phường An Phú Đông hình thành khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy với tổng diện tích hơn 530 ha, được Sở QH-KT TP thỏa thuận bằng văn bản kèm bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000. Quy hoạch dành ra hai khu vực (một rộng 1,9 ha, một hơn 6 ha) để xây nhà máy xử lý nước thải cục bộ cho khu đô thị. Tất cả giao dịch về nhà đất nằm ngoài hai khu vực trên đều diễn ra thuận lợi. Từ năm 2003 đến đầu năm 2009, những trường hợp xây biệt thự ở khu đô thị Thanh Thủy đều được UBND quận 12 cấp phép.
Tới tháng 10-2009, khi cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân, Phòng TN&MT quận 12 vẫn ghi đây là khu biệt thự vườn. Nhưng ngay sau đó, quận 12 thông báo điều chỉnh quy hoạch khu vực 1,9 ha ở khu đô thị Thanh Thủy lên hơn 13 ha để xây dựng Nhà máy TL-BC. Vậy là những hộ dân vừa xây biệt thự xong bỗng rơi vào diện phải giải tỏa. “Chúng tôi không thể hiểu nổi. Tại sao UBND quận 12 vừa cấp phép cho chúng tôi xây nhà rồi sau đó lại đòi thu hồi đất. Chúng tôi không đồng tình thì quận lại ra quyết định cưỡng chế” - họ bức xúc.
Những hộ dân mua đất đất nông nghiệp nhưng chưa chuyển lên thổ cư cũng điêu đứng. “Năm 2005, tôi mua đất với giá 5 triệu đồng/m2 do nơi đây được quy hoạch là khu biệt thự. Vậy mà giờ quận chỉ bồi thường với giá 350.000 đồng/m2. Thiệt hại của người dân là quá lớn” - một người dân nói.
Giải thích chung chung
Ngoài bất bình về việc điều chỉnh quy hoạch, giá bồi thường quá thấp, người dân còn đặt vấn đề: Tại sao không xây dựng Nhà máy TL-BC ở khu đất hơn 6 ha đang bỏ trống mà phải mở rộng khu 1,9 ha? Phải chăng khu 6 ha đã bị chuyển đổi công năng thành đất kinh doanh nên không thể xây nhà máy ở đó?
Ngày 14-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận 12 khẳng định khu đất 6 ha vẫn chưa chuyển sang đất kinh doanh. Còn việc vì sao không xây nhà máy ở khu đất 6 ha, do quận không phải là đơn vị quyết định chọn địa điểm xây dựng nên không thể giải thích rõ.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao quy mô Nhà máy TL-BC chỉ 11 ha nhưng quận 12 lại giải tỏa hơn 14 ha, sau đó do ảnh hưởng đến một di tích lịch sử-văn hóa nên phải điều chỉnh xuống còn hơn 13 ha?”. Vị này trả lời: “Những thắc mắc của người dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND TP và các đơn vị liên quan giải đáp nhưng đến nay chưa được trả lời. Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo rà soát toàn bộ quy hoạch, khi nào dự án đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý mới tiếp tục giải phóng mặt bằng”.
Theo ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy TL-BC xuất phát từ giá bồi thường thấp. UBND quận 12 cũng nhận thấy điều này nhưng phải thực hiện theo khung giá chung của TP.
Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy TL-BC chưa chặt chẽ về mặt pháp lý. Đây là thiếu sót nghiêm trọng, dẫn đến hệ quả gây thắc mắc, bức xúc, phát sinh khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Sở QH-KT TP và UBND quận 12. (Trích văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trả lời người dân vì sao lại cấp phép xây biệt thự trong khu quy hoạch Nhà máy TL-BC, UBND quận 12 cho rằng: Do nội dung quyết định của Thủ tướng cũng như đồ án quy hoạch khu biệt thự Thanh Thủy trước đây chưa xác định cụ thể vị trí nhà máy. Người dân không đồng tình với cách giải thích này. Bởi lẽ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cho phường An Phú Đông (trong đó có vị trí Nhà máy TL-BC) thuộc về UBND quận 12 và Sở QH-KT chứ không phải của Thủ tướng. |