Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang biến những vùng đất nông, lâm nghiệp của Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Bắc Ninh… thành những vùng đất nham nhở.
Nham nhở dự án nghỉ dưỡng ven đô
Một dự án đô thị nghỉ dưỡng bỏ hoang nhiều năm nay tại Bắc Ninh. Ảnh: q.h

Khoảng 2 năm trở lại đây, khi việc tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án bất động sản nội đô ngày càng khó khăn, một số doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư ra khu vực ngoại vi Hà Nội. Mục tiêu hướng đến của các dự án dạng này là xây dựng các biệt thự nhà vườn, nhà liền kề phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân đô thị. Đi kèm theo các bản vẽ dự án là hàng loạt chiến dịch truyền thông nhằm tạo nên một trào lưu sở hữu “ngôi nhà thứ hai” và đã có không ít người đổ tiền vào các dự án dạng này, với hy vọng kiếm lời từ “làn sóng” đầu tư này.

Những địa phương ngoại vi Hà Nội có nhiều dự án bất động sản là huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây (Hà Nội; huyện Lương Sơn (Hoà Bình); Phúc Yên (Vĩnh Phúc); Từ Sơn (Bắc Ninh)… Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Ba Vì đã có hàng chục dự án dạng này, như The Queen Villas, Tản Viên Resort, Dự án biệt thự - resort Dầu Khí, Đồng Mô Resort, Yên Bài Villas…, với quy mô từ vài héc-ta đến vài chục héc-ta. Tương tự, huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), thị trấn Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) cũng có vài chục dự án dạng này được chào bán. Hầu hết các dự án đang trong tình trạng san ủi dở dang, chưa có điện, nước, thậm chí nhiều dự án còn chưa có đường vào.


Trên địa bàn huyện Mê Linh, nhiều dự án được đầu tư xây dựng theo phong cách biệt thự nghỉ dưỡng, như Hà Phong, Diamond Park New, River Land…, nhưng đến nay mới có duy nhất Dự án Hà Phong đã hoàn thiện hạ tầng. Một số biệt thự đã hoàn thành xây thô, nhưng chưa có người ở. Tại các dự án còn lại, sau khi khởi công lấy lệ, máy thi công đã được di chuyển đi nơi khác, đất dự án bỏ hoang từ nhiều tháng nay.


Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mặc dù mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đã có hàng trăm dự án lớn nhỏ, với quy mô vốn đầu tư từ vài chục đến hàng ngàn tỷ đồng. Ví dụ, tại một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bắc Giang cũng có hàng chục dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, với diện tích chiếm đất trên 1.000 ha. Tuy nhiên, hầu hết các dự án hiện chưa có hạ tầng, nên không hấp dẫn khách mua.


Theo GS. Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học Đất Việt Nam), hình thức đầu tư bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thực sự đem lại “siêu lợi nhuận” cho chủ đầu tư khi đất nông nghiệp được đền bù với giá rẻ, rồi đầu tư hạ tầng và phân lô, bán nền với giá cao. Nhưng tác hại của cách đầu tư này cũng không nhỏ khi các dự án đã biến hàng ngàn héc-ta đất nông – lâm nghiệp thành những vùng đất bị băm vằm nham nhở rồi bỏ hoang. Kèm theo đó là hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư bị “chôn” vào đất, mà không tạo nên bất cứ giá trị gia tăng nào cho xã hội
Theo Ngọc Anh (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.