Nhà thu nhập thấp giá gần bằng... nhà thương mại
Đất xấu nhất dành xây nhà xã hội!
Theo Bộ Xây dựng, sau gần 3 năm triển khai ồ ạt xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp (nhà giá rẻ), tổng số căn hộ được làm ra chỉ đạt... 1% kế hoạch. Là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng “thành tích” của Hà Nội cũng còn rất khiêm tốn. Tới nay, TP đã cho phép triển khai tổng cộng 11 dự án. Trong đó, 6 dự án đã bốc thăm ký hợp đồng bán. Cụ thể, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao khoảng 3.750 căn hộ. 5 dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, cách đây hơn 10 năm, thành phố đã chủ động yêu cầu các chủ đầu tư dự án đô thị dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, các doanh nghiệp bất động sản đã chọn những phần đất “xương xẩu” nhất để lại cho thành phố hoặc cố tình chây ỳ, không chịu GPMB. Cụ thể, một số chủ đầu tư dự án chỉ tập trung GPMB đối với phần diện tích đất thấp tầng để kinh doanh kiếm lời, còn diện tích đất 20% phải bàn giao cho thành phố thường là GPMB sau hoặc đưa vào các khu vực khó GPMB như gắn với nghĩa trang... Ngoài ra, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các địa bàn rộng lớn mới sáp nhận lại không quy định phải dành quỹ đất 20% để xây nhà xã hội, có nơi quy định chủ đầu tư nộp bằng tiền. Kết quả, diện tích quỹ đất 20% dành cho nhà xã hội quá nhỏ, chênh lệch lớn so với tổng diện tích các dự án phát triển khu đô thị mới, khu nhà ở.
Giá cao vì không được vay ưu đãi
Nhìn vào bức tranh phát triển nhà thu nhập thấp không lấy gì làm suôn sẻ hiện nay, người ta dễ dàng nhận ra những bất cập từ chính sách đang là trở ngại chính. Sở Xây dựng Hà Nội phân tích, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư được áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng. Thế nhưng, sau gần 3 năm triển khai, đến nay, các chính sách này vẫn chưa được áp dụng. Tại Hà Nội, mới chỉ có 1 trường hợp dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá (Gia Lâm) được vay của Ngân hàng Đầu tư Phát triển nhưng tiến độ giải ngân cũng rất chậm. Hệ quả tất yếu của việc doanh nghiệp buộc phải vay lãi từ các ngân hàng thương mại là giá thành của nhà thu nhập thấp giảm rất ít so với nhà thương mại (chỉ giảm do được miễn tiền sử dụng đất).
Đã vậy, do chưa có quy định bắt buộc về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (ngoại trừ căn hộ không rộng quá 70m2) nên giá bán nhà có sự chênh lệch giữa các dự án khác nhau, gây bức xúc trong dư luận. Cũng do những khúc mắc trong chính sách, hợp đồng mua bán nhà thường chỉ ghi “giá tạm tính” cũng gây không ít thắc mắc từ phía người mua. Phó Giám đốc Sở Xây dựng cảnh báo, giá nhà và tiến độ đóng tiền mua căn hộ thời gian qua đang vượt quá khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu. Đáng tiếc, hiện nay, chưa có chính sách tài chính hỗ trợ cho người mua nhà.
Khó chặn tiêu cực
Bên cạnh bức xúc về giá cả, một số vụ việc tiêu cực trong mua bán nhà thu nhập thấp bị phát hiện cho thấy, chính sách còn có những kẽ hở. Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, việc quản lý xác nhận đối tượng đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp và khâu kiểm soát hậu kiểm trong mua bán, chuyển nhượng quỹ nhà này còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, đối tượng xem xét mua nhà là hộ gia đình nhưng khái niệm về hộ gia đình giữa các luật còn chưa thống nhất.
Ngoài việc đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn, Hà Nội kiến nghị, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính để nhà đầu tư tham gia phát triển quỹ nhà cho thuê. Trong khi Bộ Xây dựng chưa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà ở cho người thu nhập thấp, thành phố sẽ ban hành mẫu thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng... đối với dự án nhà ở cho người thu nhập thấp để kiểm soát giá thành cũng như tìm cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Đặc biệt, để hạn chế tiêu cực, TP kiến nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà đất với hộ gia đình để quản lý đối tượng mua nhà thu nhập thấp. Cùng với đó, cần sớm có hướng dẫn về cấp “sổ đỏ” cho loại hình nhà ở này, giúp người dân yên tâm hơn khi mua bán.