Không ít thách thức trong việc phát triển nhà ở xã hội đã được các chuyên gia nhận diện tại "Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học từ kinh nghiệm quốc tế" do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m2

Hỗ trợ nhà ở phải gắn liền với sinh kế

Phát biểu tại Hội thảo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, mỗi năm, có khoảng 1 triệu cư dân chuyển dịch về các đô thị. Điều này đã tạo áp lực lớn về nhu cầu nhà ở, trong khi cung - cầu nhà ở tại các đô thị của Việt Nam lại đang trong tình trạng lệch pha, thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ.

Ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban Phát triển đô thị của WB lại chia sẻ kinh nghiệm của các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội. Đó là, Nhà nước phải đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng, cung cấp được khoảng 50% nhu cầu tài chính cho người có thu nhập thấp nhất với lãi suất ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là phải tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Ông Sameh lấy ví dụ, tại Brazil, với số dân 191 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa cao đã dẫn đến việc thiếu hụt khoảng 7 triệu căn nhà, tương đương 15 - 20% tổng lượng nhà ở và để giải quyết vấn đề này, Brazil đã đưa vào chương trình phát triển nhà ở xã hội tập hợp các chính sách giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và giải quyết thiếu hụt nhà ở. Brazil hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đồng thời với việc dạy nghề và tạo việc làm cho họ và khuyến khích họ đưa con em đến trường.

“Kinh nghiệm thành công tại một số nước cho thấy, muốn phát triển nhà ở xã hội thành công, không thể chỉ nhìn vào việc đáp ứng nhu cầu về căn hộ, diện tích sử dụng, mà phải luôn đi kèm với giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân”, ông Sameh nói.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã khẳng định, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Thừa nhận hiện tượng lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 năm 1999 - 2009, mặc dù Nhà nước “không bỏ ra một xu nào để phát triển nhà ở”, nhưng diện tích căn hộ đã tăng gấp đôi so với tất cả thời gian trước đó cộng lại.

“Suốt một thời gian dài, nhà đầu tư chỉ tập trung xây căn hộ cao cấp, mà bỏ quên mất phân khúc nhà ở cho người nghèo”, ông Nam nói và cho biết quan điểm của Chính phủ trong thời gian tới là tác động vào cung - cầu thị trường, thông qua hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách khuyến khích xây nhà xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282.000 căn. Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66.000 căn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432.000 căn, tương đương khoảng 17,28 triệu m2.

Để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, không phải của riêng Bộ Xây dựng, mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan và của toàn xã hội. Muốn giải quyết về nguồn cung và vốn cho nhà ở xã hội, cần xã hội hóa công tác đầu tư, từ nguồn lực tư nhân trong nước để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Ở một góc độ khác, đại diện Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội kiến nghị, Bộ Xây dựng cần thiết kế một mô hình nhà ở xã hội chuẩn, bao gồm cả diện tích, vật liệu, công nghệ… để các đơn vị có cơ sở triển khai ngay, mà không cần mỗi dự án lại phải trình xin phê duyệt, rất mất thời gian và làm chậm tiến độ triển khai chương trình. Ngoài ra, các thủ tục cho vay vốn đối với người mua nhà hay nhà đầu tư từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng cần thông thoáng hơn, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.