Một dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng. Ảnh tư liệu
Liên quan đến một loạt chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản vừa được ban hành mới đây, điểm đáng chú ý nhất có lẽ thuộc về Nghị định số 188/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1.
Nghị định 188/2013/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hàng ngày 20/11/2013, khi chính thức có hiệu lực sẽ dành khá nhiều ưu đãi cho việc phát triển loại hình nhà ở xã hội, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc hồi phục thị trường bất động sản nói riêng và thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia nói chung.
Theo đó, kể từ 10/1/2014, các dự án phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi nhất định về các mặt như: thuế, vốn, quy trình thực hiện…
Cụ thể, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư quay lại thực hiện chính các dự án đó.
Đặc biệt, một trong những điểm mới đáng lưu ý của Nghị định 188 chính là việc: Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chính phủ đã cho phép các chủ đầu tư dự án được dành tối đa 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án làm đất thương phẩm.
Phần diện tích đất thương phẩm này được phép dùng để đầu tư xây dựng công trình thương mại (bao gồm cả nhà ở thương mại cao tầng và thấp tầng) dùng để kinh doanh kiếm lời nhằm bù đắp thêm vào chi phí đầu tư nhà giá rẻ.
Trong trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.
Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đây được coi là một giải pháp thiết thực trong việc góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.
Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, giải pháp này sẽ dễ dàng thực hiện và có hiệu quả hơn ngay cả giải pháp cho vay vốn trực tiếp như hình thức của gói 30.000 tỷ.
Bởi lẽ, khi dành một phần đất cho chủ đầu tư tự hạch toán đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có sự chủ động cao trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận cao nhất để bù lỗ cho nhà ở xã hội.
Đồng thời, cũng tránh được việc “một cổ nhiều tròng” hay phải mất quá nhiều loại “phí” bôi trơn để có thể qua được cửa vay vốn dự án.