04/06/2023 4:05 PM
Để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong mua bán nhà ở xã hội trái phép, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực. Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời báo chí về việc chấn chỉnh tình trạng các đối tượng cò mồi lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để bán kiếm tiền chênh lệch, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, chính sách nhà ở xã hội trong thời gian qua quan tâm đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp ở đô thị. Do đó trong thời gian qua, các quy định liên quan đến các chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Trên cơ sở những chính sách ưu đãi như vậy cũng để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn.

Dù vậy, thời gian qua một số dự án, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk theo phản ánh của báo chí có những đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán, nhằm trục lợi.

Thứ trưởng khẳng định hành vi này là một trong những hành vi chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội.

"Trước tình hình như vậy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương nơi xảy ra hiện tượng như trên có kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng”, Thứ trưởng Sinh cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP

Thông tin về mặt chính sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các văn bản pháp luật đã xác định rõ đối tượng thụ hưởng và điều kiện, tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng để người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Thứ nhất, các đối tượng nêu trên phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 10 m2/người.

Thứ hai về cư trú, phải có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ ba về thu nhập, không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân (tức dưới 11 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người). Trong quy định về chính sách nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần.

Về trình tự tiếp nhận hồ sơ đối tượng được mua nhà ở xã hội, trên cơ sở tiêu chí các điều kiện, chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan (UBND huyện, Thuế, Tài nguyên) kiểm tra Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật Danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội 01 lần.

Sau khi xác định danh sách các đối tượng được mua sẽ tiến hành tổ chức bốc thăm để mua nhà ở xã hội. Như vậy có thể nói, các quy định liên quan mua bán nhà ở xã hội rất đảm bảo công khai, minh bạch và chặt chẽ, tránh trục lợi trong việc thực thi chính sách và đảm bảo đối tượng được mua là đối tượng được thụ hưởng.

Về giải pháp lâu dài, ông Sinh cho biết, các bộ, ngành địa phương đang tích cực triển khai Đề án 1 triệu nhà ở xã hội đã được Thủ tướng phê duyệt.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy việc này là yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai tốt đề án này theo đơn vị, chỉ tiêu của từng địa phương, làm sao tăng nguồn cung, đáp ứng được như cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, giảm hiện tượng như báo chí đã nêu.

Thứ hai, đã yêu cầu các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.

Thứ tư, các địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Phải cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện đối tượng và những trường hợp mua bán không đúng đối tượng, buộc thu hồi nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án xác định đúng đối tượng cũng như tiêu chí cũng như các quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra. Đặc biệt, nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, ví dụ mua sau 5 năm mới được bán nhưng bán trước thì phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn tình trạng này.

  • Thấy gì từ những cuộc bốc thăm mua nhà ở xã hội?

    Thấy gì từ những cuộc bốc thăm mua nhà ở xã hội?

    Việc người dân xếp hàng từ sáng sớm với hy vọng sẽ là một trong số ít sở hữu “tấm vé” may mắn mua được nhà ở xã hội cho thấy nhu cầu phân khúc này rất lớn. Thế nhưng trong những đợt bốc thăm ấy cũng có một vài hiện tượng khiến người có mặt phải suy nghĩ.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.