Hơn 3 năm sau ngày khai trương khu nhà chung cư đầu tiên cho công nhân, Kim Chung giờ đây đã sầm uất hơn. 26 đơn nguyên với hàng trăm căn phòng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, một số khu khác đang được xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân. Gần 200.000m2 đất đã có thông báo thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và NLĐ có thu nhập thấp giai đoạn 2.
Khu nhà ở cho công nhân ở xã Kim Chung, Đông Anh. Ảnh: Thái Hiền
Đem tin vui này chia sẻ với chị em công nhân ở đây, chúng tôi chỉ nhận được thái độ… hờ hững. Tâm lý háo hức được ở trong ngôi nhà mới giờ đã không còn. Chị Lê Thị Ngân - công nhân Công ty Hoya cho biết: "Hiện nay, chất lượng chung cư đang xuống cấp, nhất là tại khu vệ sinh của một số tòa nhà đã bị dột hoặc tắc, giá nước sinh hoạt quá cao… Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với ban quản lý tòa nhà để sửa chữa nhưng việc khắc phục rất chậm". Ý kiến của chị được sự đồng tình của nhiều NLĐ đang ở tại các đơn nguyên khác. Bên cạnh đó, việc thiếu dịch vụ hỗ trợ cũng đang gây khó khăn cho công nhân.
Ngoài những khối nhà cao tầng thì những khoảng sân tiếp giáp ở một số khu nhà còn bỏ hoang, trở thành nơi chứa rác, phế thải xây dựng, cỏ dại mọc um tùm, là nơi trú ẩn, sinh sôi của ruồi, muỗi, côn trùng. Nhiều đoạn cống thoát nước bị tắc khiến nước thải dềnh lên, bốc mùi hôi thối. Môi trường của xã vốn đã quá tải do tiếp nhận thêm gần 2 vạn NLĐ ngoại tỉnh, càng xuống cấp. Cả xã có gần 3 vạn dân nhưng không có chợ. Khu chợ tạm giáp quốc lộ được chuyển vào bên trong, gần khu nhà chung cư đầu tiên đã biến trục đường chính của xã thành chợ tạm nối dài, khách vào ra đông như trẩy hội, trái ngược hẳn với sự khiêm tốn cả về mặt hàng và diện tích của siêu thị đầu tiên dành cho công nhân cách đó không xa. "Tầng 1 của các căn nguyên hiện nay chủ yếu được cho thuê làm quán nhậu, nhà hàng, quán cà phê... Cả khu chỉ có một điểm sinh hoạt văn hóa mới đưa vào sử dụng chưa lâu. Lương công nhân chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới đủ ăn, làm gì có tiền la cà quán xá. Trong khi đó, các nhu cầu khác thiết thực hơn lại chưa được quan tâm đúng mức như chợ, nhà trẻ, trường mẫu giáo..." - Vũ Thị Hồng Hiệp, công nhân Công ty Nissen cho biết thêm.
Công nhân phản ánh nhiều nhất là những bất cập trong thiết kế tòa nhà. Mặc dù diện tích nhà ở dành cho mỗi người tại các đơn nguyên đều đạt 7,3m2/người, cao gấp đôi so với các nhà trọ của dân. Thế nhưng, diện tích ấy chỉ dành cho những công nhân độc thân. Không có căn phòng nào dành cho các gia đình trong 26 đơn nguyên đang đưa vào sử dụng. Theo thống kê, hầu hết công nhân đang sống và làm việc tại Kim Chung đều ở tuổi từ 18-26, lứa tuổi dựng vợ gả chồng. Vì vậy, hiện có gần 7.000 người chưa xây dựng gia đình được tiếp cận với những căn nhà thuê được trợ giá. Còn lại, có ít nhất 3.000 gia đình công nhân trẻ có con đang phải thuê trọ trong những căn hộ chưa đầy 10m2.
Những bức xúc của công nhân đã được phản ánh tới Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội - đơn vị quản lý các tòa nhà cho công nhân thuê tại Kim Chung. Ông Bùi Minh Tuân - Giám đốc xí nghiệp cho biết, các đơn nguyên nhà đang sử dụng tại Kim Chung là do hai đơn vị Công ty CP Đầu tư xây dựng nhà Hà Nội và VINACONEX xây dựng. Ông Tuân khẳng định, chất lượng xây dựng các tòa nhà bảo đảm, những hiện tượng dột và thấm là do kỹ thuật đấu nối tại khu vệ sinh chưa tốt. Xí nghiệp cũng đã phản ánh tới chủ đầu tư để nhanh chóng sửa chữa. Do đang trong thời gian bảo hành nên xí nghiệp không thể tiến hành sửa chữa trực tiếp mà phải chuyển cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, hiện 6 đơn nguyên mới có một đồng hồ điện, nước nên đã xảy ra tình trạng điện, nước giá cao. Xí nghiệp đang làm việc với nhà đầu tư để mỗi đơn nguyên có một đồng hồ riêng.
Các đơn nguyên nhà đã đưa vào sử dụng, theo ông Tuân thì không phải là không có các dịch vụ hỗ trợ đi kèm mà do được quy hoạch, thiết kế và đầu tư ở giai đoạn 2.
Việc thiết kế và xây dựng các căn hộ gia đình cũng sẽ được khắc phục khi 3 đơn nguyên nhà đang xây dựng được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.