Bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhà cho thuê tại khu vực đô thị, Nhà nước cũng sẽ tham gia thị trường này với tư cách chủ đầu tư.

Để khắc phục những hạn chế, rào cản trong công tác phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, đảm bảo ổn định chính trị và an sinh xã hội, phát triển đô thị, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Bộ Xây dựng trình Chính phủ mới đây có thêm điều chỉnh mới.


Trong đó phải kể đến quan điểm, tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị, bao gồm nhà ở cho thuê giá rẻ do Nhà nước đầu tư và nhà ở cho thuê thương mại do các thành phần kinh tế đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước.


"Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở nói chung và chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng cụ thể nói riêng cần phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn để tổ chức triển khai và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá kết quả thực hiện" - tờ trình nêu rõ.


Nhà nước sẽ làm chủ đầu tư xây nhà cho thuê

Theo hướng này, trong 5 năm tới, phấn đấu tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại đô thị loại đặc biệt đạt từ 80-90%; đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%; đô thị loại III đạt trên 30% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới. Tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt khoảng 20% trong tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên.


Thực hiện đầu tư xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng mới tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.


Cơ cấu nhà ở bất hợp lý, trống hoàn toàn mảng xây dựng nhà ở cho thuê là thực trạng diễn ra thời gian qua. Hầu hết doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại cao cấp, diện tích lớn để bán với giá cao cho những người có thu nhập cao mà chưa quan tâm phát triển các loại căn hộ có diện tích nhỏ, có giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình. Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở để cho thuê gặp rất nhiều khó khăn.


Nhà nước chưa chủ động để can thiệp, điều tiết việc cân đối cung - cầu cho thị trường nhà ở, thiếu quỹ đất để phát triển mảng nhà ở phi hàng hóa cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo. Kế hoạch phát triển nhà ở vẫn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư dự án, trong khi các công trình nói trên hầu hết chậm triển khai do nhận thức, sự thiếu quyết tâm và chưa chủ động bố trí nguồn lực của các địa phương


Từ phía người dân, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất là thực trạng phổ biến. Theo thống kê, tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%, còn TP.HCM mới đạt 6,13%; tỷ lệ hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ có sở hữu nhà ở.


Để có cơ sở tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng dự kiến soạn thảo, trình Chính phủ Chính sách nhà ở cho thuê thời gian tới. Trước đó, lãnh đạo cơ quan đầu ngành nói trên cũng đã bật mý về chủ trương Nhà nước sẽ làm chủ đầu tư trong việc cải tạo chung cư cũ, nhằm chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo loại nhà ở này.

Theo Nguyễn Nga (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.