Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng tại buổi tọa đàm nhằm chuẩn bị cho Phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Căn hộ bán 13,5 triệu/m2 vẫn lãi khá nhiều
Lý giải về ý kiến của mình, ông Mai Xuân Hùng dẫn một ví dụ để chứng minh, mới đây ông có tham dự lễ khởi công một tòa nhà ở cho Bộ Công an tại đường Láng – Hòa Lạc.
Do chủ đầu tư của công trình là chỗ quen biết đã tâm sự thật với ông rằng: giá của các căn hộ ở đây là 13,5 triệu/m2, đây là lần đầu tiên có giá thấp như vậy nhưng tính ra lợi nhuận thì nhà đầu tư vẫn lãi khá nhiều.
Từ câu chuyện này, ông Hùng quay trở lại vấn đề: “Ta cứ hô cứu thị trường bất động sản nhưng một vấn đề rất quan trọng là giá bất động sản hiện nay đã hợp lý hay chưa? Có phù hợp với sức mua của thị trường hay không? Làm thế nào để người có nhu cầu thực sự có thể mua được nhà để ở? Nếu giá thị trường không phù hợp với sức mua của thị trường thì nếu chúng ta có kích cầu bằng cách hạ lãi suất cho vay bất động sản xuống 3% hay 5% thì cũng vẫn cao gần gấp đôi so với lãi suất cho vay bất động sản ở các nước trên thế giới”, ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia, giá bất động sản chưa về giá thực nên không phải vội vã cứu
Từ câu chuyện này, ông Hùng lo rằng, nếu không làm rõ những vấn đề trên thì có khi Nhà nước cứu thị trường bất động sản mà người dân lại chết oan, vì giá bất động sản chưa phải là giá thực, người dân mua nhà với giá hiện nay là đã phải gánh thêm rất nhiều chi phí, nếu cứu không đúng địa chỉ, người dân sẽ càng thêm thiệt thòi.
Quan điểm này được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình và khẳng định thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.
Tại sao phải rối rít ‘cứu’ bất động sản?
Theo Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng nêu rõ: ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay là khoảng 111.963 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục này đã phải nhấn mạnh rằng, đây mới chỉ là con số được tổng hợp chưa đầy đủ tại 50 địa phương trong cả nước. Bởi lẽ, rất nhiều nhà chung cư đang được xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần; nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng thực hiện do không có thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư thứ phát đã mua bất động sản nhưng không bán được cho người tiêu dùng. Điều này cho thấy, con số tồn đọng của thị trường bất động sản trên thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều so với con số mà cơ quan quản lý nhà nước về thị trường này nắm được.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, nợ xấu bất động sản không có gì phải hốt hoảng.
Bởi lẽ, với thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, con số nợ xấu bất động sản theo thống kê là 30 nghìn tỷ đồng. Nếu so với thực lực của thành phố Hồ Chí Minh thì con số này không hề đáng ngại.
Hơn nữa, nợ xấu bất động sản vẫn thấp hơn so với bình quân nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải rối rít đòi cứu thị trường bất động sản? – nêu vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh rằng: các cơ quan quản lý, các cơ quan giám sát, các doanh nghiệp bất động sản, các địa phương... cần phải nói thật với nhau là các số liệu về thị trường bất động sản hiện nay đã chính xác hay chưa?
Bởi nếu các thông số của thị trường không chính xác thì việc xác định chính sách, thứ tự ưu tiên của các giải pháp cứu thị trường sẽ không thể đạt được mục đích.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cũng đồng tình quan điểm này. Theo ông Võ, nếu bàn giải pháp cứu thị trường bất động sản mà không có dữ liệu về thị trường chuẩn sẽ giống như kê đơn thuốc không đúng bệnh có khi còn đẩy con bệnh vào tình trạng nguy kịch hơn.