Nằm trong dự án xây dựng tuyến đường và hạ tầng tuyến đường Lê Vắn Lương, năm 2003, lô đất 4.5- NO được xác định có chức năng “đất nhà ở cao tầng” để làm “dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê” có chiều cao 7,8 tầng. Nhưng 8 năm sau, dự án này được đổi thành “xây dựng công trình hỗn hợp Tổ hợp Dịch vụ thương mại văn phòng và nhà ở” với chiều cao 25 tầng…
Dự án “treo” được…lên tầng?

Năm 2003, UBND TP. Hà Nội lần lượt có các Quyết định thu hồi đất, tạm giao, rồi giao chính thức hơn 247.000m2 đất tại phường Nhân Chính và phường Trung Hoà cho Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường và hạ tầng hai bên tuyến đường Láng Hạ- Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương). Nửa năm sau, cơ quan này có tiếp Quyết định giao cho một số đơn vị làm chủ đầu tư “dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê” tại các ô đất hai bên đường. Trong số này, Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung là chủ đầu tư dự án tại lô đất 4.5- NO. Cũng từ đây, 30 hộ dân phải sống trong tình trạng dự án “treo” …


Không hiểu vì sao đến năm 2009, Tổng Cty Miền Trung xin chuyển chủ đầu tư sang Cty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội (HDI). Sau khi có chấp thuận của thành phố, HDI đã nhận nhiệm vụ GPMB lô đất. Dự án được tái khởi động từ cuối năm 2010 với nhiều động thái nhằm thực hiện công tác bồi thường, đền bù từ UBND quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính. Tuy nhiên, chính sự “vòng vèo” đã khiến các hộ dân ở đây nghi ngờ về tính minh bạch của dự án.


Trước hết là việc chuyển chức năng sử dụng lô đất từ “thí điểm xây dựng nhà ở cho thuê” cao 7- 8 tầng thành “xây dựng công trình hỗn hợp Tổ hợp Dịch vụ thương mại văn phòng và nhà ở” cao 25 tầng. Tuy việc chuyển chức năng sử dụng đất đã được UBND TP ra Quyết định vào tháng 7/2011, nhưng hầu hết các hộ dân ở đây đều “ngỡ ngàng” vì không được thông báo hoặc giải thích lý do. Ngay cả phối cảnh công trình cũng không thấy chủ đầu tư treo tại lô đất thực hiện dự án. “Nếu có phối cảnh, người ta có thể thấy ngay sự bất hợp lý trong thiết kế bởi với chiều ngang chỉ khoảng 20- 30m thì công trình cao 25 tầng sẽ là 1 tòa nhà “siêu mỏng”- ông Tạ Văn Tuân (ngõ 125 Hoàng Ngân) nói.

“Nhà cho thuê” biến thành “tổ hợp dịch vụ”?
8 năm qua, lô đất 4.5 NO vẫn bỏ không như thế này.

Theo Quyết định 112/2002 của UBND TP. Hà Nội (phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Láng Hạ- Thanh Xuân, nay là đường Lê Văn Lương) thì lô đất 4.5 NO dùng để “xây nhà ở cao tầng, từ 9-18 tầng”. Trao đổi với phóng viên, ông Tuân cho hay, quy hoạch chi tiết nêu trên chưa được điều chỉnh mà hiện mới chỉ có Quyết định “điều chỉnh cục bộ quy hoạch”, cùng cho nâng tầng toà nhà thì các động thái này đều hướng tới lợi ích của nhà đầu tư. Phải chăng “thí điểm xây nhà cho thuê” chỉ là cái cớ để chủ đầu tư xin đất và hưởng ưu đãi? Khi có đất thì sang nhượng dự án, tìm cách chuyển mục đích sử dụng đất, nâng tầng toà nhà để...”tận thu”?

Theo cam kết, để được giao sử dụng gần 6.000m2 đất, nhà đầu tư sẽ nộp cho thành phố 2,8 tỷ đồng (tính trung bình gần 500 đ/m2). Các hộ dân cho rằng, mức giá trên chỉ bằng 1/500 giá đất thị trường và bằng 1/66 giá đất do thành phố ban hành tại cùng vị trí. Ai sẽ được hưởng lợi từ phần giá chệnh lệch trên? Tại sao không tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu và lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự?


“Dự án dân sinh” hay “dự án kinh doanh”?


Được biết, trước tình trạng nhiều lô đất ven đường Lê Văn Lương (trong đó có lô 4.5 NO) bị bỏ trống nhiều năm, UBND TP. Hà Nội đã từng có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án và thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo cam kết. Nhưng 8 năm nay, dù là “nhà cho thuê” hay “tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở” thì chúng vẫn chỉ nằm trên giấy. Trước tình trạng dự án “treo” này, hàng chục hộ dân đã nhiều lần có đơn đề nghị xem xét lại hiệu lực của Quyết định thu hồi đất, giao đất trước đây hoặc đề nghị để chủ đầu tư phải thỏa thuận về giá đất người dân vì đây là một dự án có mục đích kinh doanh.


Bà Lê Thị Hải- cho hay: “Tháng 4/2011, chúng tôi được HDI cung cấp một bộ hồ sơ pháp lý của dự án. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất để HDI triển khai dự án là Quyết định được giao đất thì chưa có. Nếu vậy thì vào tháng 10/1010, UBND quận Thanh Xuân thành lập Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư (BTHT và TĐC) dự án xây dựng tại lô đất 4.5 NO trên cơ sở nào? Tại sao dự án này lại có 2 Hội đồng BTHT và TĐC (vì có gần 3700m2 đã được GPMB từ năm 2003)?


Cùng với những vấn đề trên, người dân ở đây còn “tố” công trình được xây dựng tại tại lô đất 4.5 NO có nhiều Quy chuẩn xây dựng (QCXD) “mập mờ”. Đơn cử là việc UBND TP. Hà Nội cho phép khối tháp cao tầng xây cách khu dân cư phía Đông Nam 9,5m (đường nội bộ rộng 5,5m, vỉ hè mỗi bên rộng 2m). Điều này đồng nghĩa với việc tòa tháp sẽ xây dựng cách đường nội bộ 2m và giáp với vỉ hè mà không đảm bảo về “khoảng lùi” với lộ giới đường quy hoạch. Theo QCXD thì những tòa nhà cao trên 28m phải có khoảng lùi so với lộ giới tối thiểu là 6m.


Trong khi những vấn đề trên chưa được trả lời rõ ràng thì các hộ dân đang được yêu cầu kê khai diện tích đất và tài sản để phục vụ công tác đền bù.

Theo Khoa Lâm (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.