Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
(BIDV) cho biết, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản nới cho vay
đối với 4 nhóm gồm bất động sản và tiêu dùng, nhà băng này đã chỉ đạo
toàn hệ thống mở rộng hơn đối tượng cho vay. Theo đó, những người có nhu
cầu về nhà ở thực sự sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Tuy nhiên, nguồn vốn lần này được ưu tiên cấp cho
những khách hàng vay mua nhà dự án do BIDV tài trợ. Vị này tiết lộ, từ
hôm được mở van tín dụng tiêu dùng và bất động sản, các chi nhánh cũng
thông báo số lượng khách hàng hỏi về thủ tục vay vốn mua nhà ở tăng
nhiều so với trước.
Dù vậy, theo vị lãnh đạo nói trên, lãi suất vay vẫn
phải căn cứ vào tình hình thực tế. Trong thông báo gửi đến toàn hệ
thống, nhà băng này chỉ cho phép mở rộng đối tượng cho vay thay vì giảm
lãi suất. Nguyên nhân, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực bị áp hệ số
rủi ro cao 2,5 lần so với các khoản cho vay thông thường.
Ông này cũng cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng bất
động sản của đơn vị 7,6%. “Room 16% vẫn còn nhiều, do đó vốn dành cho
lĩnh vực này không phải là vấn đề, chỉ có điều phải tính đến đúng đối
tượng và khả năng trả nợ của người vay để không vướng vào nợ xấu”, nguồn
tin từ BIDV cho biết.

Ngân hàng bắt đầu mở van tín dụng bất động sản, mở rộng đối tượng cho vay. Ảnh: Lệ Chi
Còn theo nhận định của phó tổng giám đốc một ngân hàng
thương mại cổ phần khác tại Hà Nội, việc Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ tín
dụng bất động sản là khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Theo ông,
trước đây vay vốn mua nhà đất bị siết chặt là để ngăn chặn tình trạng
đầu cơ, làm giá gây nhiễu loạn thị trường.
Tuy nhiên, ông này đánh giá động thái chỉ ưu đãi vốn
vay đối với các dự án hoàn thành trước 1/1/2012 có vẻ hơi gấp gáp. “Song
tháo gỡ từng bước như vậy cũng là tốt. Điều này sẽ hỗ trợ cho một số dự
án đang dang dở nhưng thiếu vốn, tránh gây lãng phí trong bối cảnh
nhiều người có nhu cầu thực mà không tiếp cận được vốn để mua nhà”, ông
bày tỏ.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng tại TP HCM cho hay, khi chỉ thị 01 ban hành, nhà băng này đã lên kế hoạch giảm dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất bằng cách siết chặt và gần như không cho vay mới mà chỉ giải ngân cho những dự án cũ đã ký trước đó. Đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của nhà băng này còn khoảng 16% trên tổng dư nợ.
Tuy nhiên, ông này cho biết, nhờ động thái mở van của
Ngân hàng Nhà nước bằng việc loại một số nhóm đối tượng thuộc bất động
sản và tiêu dùng cá nhân ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất nên tỷ lệ của
lĩnh vực này tiếp tục hạ xuống.
"Do vậy, hiện nay chúng tôi đang cân nhắc cho vay các
hợp đồng mới trong đó có bất động sản, tiêu dùng, nhưng cũng không lơ là
khâu xét duyệt nhằm hạn chế nợ xấu. Đồng thời, lãi suất vay vẫn áp ở
mức quanh 20-23% một năm", vị này nói.
Trong khi đó, dù rất đồng tình với chủ trương trên của
Ngân hàng Nhà nước và coi đó là một động thái tích cực nhưng một chuyên
gia tài chính tại TP HCM cho rằng, với việc mở van tín dụng như hiện
nay doanh nghiệp và cá nhân vẫn rất khó với tới được nguồn vốn của nhà
băng. Bởi theo ông, rào cản lớn nhất là lãi suất cho vay còn quá cao.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phi sản xuất của các ngân hàng đang ở mức
20-25% một năm.
"Những người làm công ăn lương sẽ không thể kham nổi việc trả lãi vay ngân hàng cao như vậy", ông này nói.







