Chưa chỉ đạo cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thị trấn và UBND huyện Thường Tín lại cứ phải làm công văn hỏi cấp trên?

Chứng kiến cảnh hai tòa nhà 3 tầng đang trong quá trình lún, nứt, có nguy cơ đổ ập vào nhau; còn 8 thanh sắt chữ I mỏng manh dùng để chống đỡ 2 khối nhà thì mỗi ngày một biến dạng, chúng tôi không thể không đặt câu hỏi: Những cán bộ có trách nhiệm trước tính mạng và tài sản của người dân cũng như chủ công trình tòa nhà 10 tầng không phép đã làm gì trong gần 1 năm qua?


Dân kêu, chủ công trình đưa ra “sáng kiến”


Từ tháng 12/2010, bà Dương Thị Tứ, đại diện chủ ngôi nhà 3 tầng số 71, đã ký đơn kêu cứu gửi Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín, nội dung nhấn mạnh: “Đến ngày 9/12/2010, ông Thủy mua các thanh sắt chữ I, độ dày khoảng 0,1cm, bản rộng 12cm để chống vào 2 đầu tường của 2 gia đình. Với cách làm này không thể nói là đảm bảo cho việc chống đỡ cho cả 2 ngôi nhà 3 tầng chúng tôi không bị nghiêng đổ được, các vết rạn nứt không thể dừng lại. Trước sự việc hết sức nghiêm trọng, cấp bách này, tôi đề nghị UBND thị trấn có biện pháp tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời… Tôi đề nghị UBND thị trấn yêu cầu nhà ông Thủy phải có trách nhiệm đối với gia đình tôi vì hành vi xây dựng đã gây thiệt hại cho ngôi nhà của tôi”.


Dân khổ, cán bộ lơ mơ
Gần 1 năm qua, 2 ngôi nhà liền kề tiếp tục nghiêng, lún bên hố móng công trình 10 tầng không phép dở dang với 8 thanh sắt chằng chống ngày một biến dạng

Cùng chung nỗi bức xúc, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ ngôi nhà số 67, đã chứng minh cụ thể những vết rạn nứt, nghiêng lún với các cán bộ thanh tra xây dựng, đồng thời đưa ra mức bồi thường để có thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại đối với ngôi nhà 3 tầng chưa hết mùi sơn mà bà đã dành dụm cả đời mới xây được là khoảng 200 triệu đồng.


Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thủy, chủ công trình tòa nhà 10 tầng không phép đã không chấp nhận mức bồi thường này. Đồng thời, ông Thủy làm đơn đề nghị: “Trong quá trình chờ đợi quyết định giải quyết bồi thường giữa các bên của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư xin phép tiếp tục được thi công xây dựng công trình”.


Chúng tôi gọi đề nghị trên đây là “sáng kiến” của chủ công trình tòa nhà 10 tầng không phép vì nó đảm bảo cho độ an toàn của 2 ngôi nhà 3 tầng đang bị nghiêng, lún; đồng thời, giúp chủ công trình có động thái tích cực hơn trong việc khắc phục hậu họa do mình gây ra. Thực tế cho thấy, gần 1 năm qua, sau khi bị ngừng thi công, chủ công trình đã để mặc cho 2 gia đình muốn kiện thì cứ kiện, không chấp nhận mức đền bù, không có thêm biện pháp nào để khắc phục nguy cơ nghiêng, đổ của 2 nhà liền kề ngoài 8 thanh sắt mỏng manh đã được chằng chống một cách tạm bợ.


Tuy nhiên, nếu cái gọi là “sáng kiến” trên đây được chấp thuận, thì ông Thủy sẽ ung dung tiến hành xây nhà 10 tầng không cần giấy phép xây dựng, còn người bị thiệt hại thì phải đỏ mắt chờ chủ công trình hoàn tất công trình không phép rồi mới được nói chuyện đền bù!?


Trước “sáng kiến” của chủ công trình “tự khai” là có quen biết với địa phương nên mới dám làm nhà 10 tầng không phép theo kiểu “làm đến đâu thì lo đến đó”, các cấp chính quyền địa phương đã giải quyết ra sao?


Hỏi cấp trên!


Làm việc với chúng tôi, ông Lê Tuấn Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín cho biết: “Chúng tôi đã hai lần mời các hộ có liên quan lên để tiến hành hòa giải và cố gắng hết sức khuyên ngăn giữa hai gia đình rồi mà vẫn không thành. Còn việc xây dựng trái phép của ông Thủy, ủy ban đã xử lý đúng luật. Ông Thủy làm móng chỉ để lấy ngày đẹp thôi. Móng nhà của chị Hoa làm không được chắc chắn, nhà bên cạnh chỉ cần làm 2 tầng, nhà chị Hoa cũng đã bị ảnh hưởng rồi...”.


Khi được hỏi, tại sao chưa có giấy phép xây dựng mà chính quyền lại để cho ông Thủy khởi công xây dựng công trình lớn như vậy? Ông Chủ tịch thị trấn cho rằng, “ông Thủy đang xin cấp phép xây dựng nhưng chúng tôi chưa cấp vì ông Thủy đang hợp thức sổ đỏ cho mảnh đất của mình...”. Lại hỏi: “Có văn bản nào chứng minh việc ông Thủy xin cấp phép xây dựng?”. Ông Chủ tịch và cả cán bộ thanh tra thị trấn (ông Nguyễn Văn Hưởng) không đưa ra được văn bản nào chứng minh.


Trả lời câu hỏi, vì sao thanh tra xây dựng thị trấn lại chậm phát hiện và xử lý công trình 10 tầng không phép ngay giữa trung tâm thị trấn? Ông Nguyễn Văn Hưởng tỏ ra ngập ngừng, lúng túng. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Tuấn Tú liền đỡ lời: “Thị trấn hiện tại chỉ có một cán bộ thanh tra xây dựng, thời điểm đó anh Hưởng đang đi học, lại vào ngày lễ, nên không biết”.


Điều đáng nói ở đây là ngày 8/1/2011, UBND thị trấn Thường Tín ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc xây dựng công trình 10 tầng không phép, ngay mặt phố, giữa thị trấn Thường Tín, với mức phạt có 2 triệu đồng (!?). Tiếp đó, UBND thị trấn sau 2 lần hòa giải không thành đã làm công văn gửi UBND huyện Thường Tín xin ý kiến chỉ đạo, nhấn mạnh: “Việc sớm giải quyết để chủ đầu tư tiếp tục thi công công trình là rất cần thiết để tránh thiệt hại gây lún nứt thêm các hộ liền kề (thậm chí khi mùa mưa đến có thể gây đổ công trình nhà liền kề) song lại trái với quy định tại Điều 4 Thông tư 24/2009/BXD… và tại Điểm b, Điều 15, Nghị định 180 quy định việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận… UBND thị trấn mong nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND huyện”. Có thể thấy ngay, tinh thần công văn hỏi cấp trên của UBND thị trấn Thường Tín là thể hiện mong muốn thực hiện “sáng kiến” cho chủ công trình 10 tầng không phép được tiếp tục thi công; nhưng lại băn khoăn vì trái pháp luật.


UBND huyện Thường Tín lại… hỏi lên trên?


Dân khổ, cán bộ lơ mơ

Ông Dương Đình Tiêu

Ông Dương Đình Tiêu, Phó Chánh Thanh tra xây dựng huyện Thường Tín làm chúng tôi bất ngờ khi thể hiện quan điểm: “Về trách nhiệm, đã hòa giải là hết trách nhiệm. Nếu không được thì yêu cầu gửi đơn ra tòa án giải quyết. Chức năng của chúng tôi chỉ xử lý các công trình xây dựng có phép hay không phép, còn việc này không phải trách nhiệm của chúng tôi... Ông Thủy mới ép cọc chứ đã xây dựng gì đâu (!?). Ban đầu chưa xảy ra mức độ nghiêm trọng, khi xảy ra nặng nề quá thì gia đình bà Hoa mới có đơn, thì sự việc mới vỡ lở. Còn bình thường, tôi nghĩ nó không có gì xảy ra cả”.

Ông Uông Đức Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tiếp tục làm chúng tôi ngạc nhiên khi nói rằng, sự việc này ông chưa nhận được đơn. Nhưng thực tế, chính ông đã ký công văn số 93/UBND-TTrXD, ngày 22/3/2011, gửi Sở Xây dựng Hà Nội, xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc. Rồi ông cũng thể hiện sự cảm thông với chủ công trình 10 tầng không phép khi nói rằng: “Không để cho người ta xây dựng mà cứ để như vậy thì cũng thiệt hại cho chủ công trình. Khi cái móng này đã được hoàn thiện thì chúng tôi đã hướng dẫn thị trấn làm việc thỏa thuận làm sao để giữ được móng, hoặc là xây được nhà 1 tầng...”.


Phải chăng cũng giống như Chủ tịch UBND thị trấn, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cũng khó xử đối với chủ công trình 10 tầng không phép “có nhiều quen biết với địa phương” khi “ông chủ” này đưa ra “sáng kiến” xin được tiếp tục thi công, nên lại “đẩy quả bóng lên trên” bằng việc ký công văn hỏi Sở Xây dựng Hà Nội: “Chủ đầu tư có đơn đề nghị: Trong quá trình chờ đợi quyết định giải quyết bồi thường giữa các bên của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư xin phép tiếp tục được thi công xây dựng công trình. Đây là trường hợp mới đối với công tác trật tự xây dựng trên địa bàn, đồng thời mùa mưa sắp đến, nếu để kéo dài không thi công sẽ có khả năng gây mất an toàn. Để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn cho các hộ liền kề trong mùa mưa bão, UBND huyện Thường Tín đề nghị Sở Xây dựng cho ý kiến chỉ đạo”.


Phúc đáp huyện Thường Tín, Sở Xây dựng giao Thanh tra Sở trả lời với nội dung mà bất kỳ cán bộ nào làm công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đều phải biết. Cụ thể là: “Đối với công trình xây dựng không có Giấy phép thì trong quá trình xử lý cần: Căn cứ vào Điều 12, Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP”. Đối với việc: “Chủ đầu tư có đơn đề nghị UBND huyện Thường Tín cần nghiên cứu các văn bản sau: Quyết định số 122/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội; Mục b, Khoản 5, Điều 4 của Thông Tư số 24/2009/TT-BXD về việc Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ”.


Theo những văn bản pháp luật trên đây thì mọi việc thật rõ ràng như 2 cộng 2 là 4. Cụ thể, căn cứ Nghị định 180/2007/NĐ-CP, công trình 10 tầng của ông Thủy phải bị xử lý theo Điều 12 do không có Giấy phép xây dựng; và Điều 15 do gây thiệt hại cho 2 hộ liền kề. Về trách nhiệm và hướng xử lý, đúng như Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn, đó là Quyết định số 122/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội; Mục b, Khoản 5, Điều 4 của Thông tư số 24/2009/TT-BXD về việc Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đã lộ rõ một sự lơ mơ không đáng có, nhưng lại rất quan trọng, trong quá trình xử lý vụ việc của UBND huyện Thường Tín, đó là: Phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín đã không kiểm tra xác minh mức độ nguy hiểm do công trình ông Thủy gây ra đối với hai công trình liền kề của bà Hoa và bà Tứ, từ đó có đề xuất UBND huyện phương án giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định. Cũng theo quy định, Phòng Quản lý đô thị còn có trách nhiệm “Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn…”.


Tại sao chưa chỉ đạo cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thị trấn và UBND huyện Thường Tín lại cứ phải làm công văn hỏi cấp trên?


Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc rất đáng chú ý này

Theo Quốc Hưng - Quang Tuấn (Báo TNVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.