Huyện đã cấm nhưng người dân, doanh nghiệp cứ sang bán đất giấy tay. UBND huyện cũng sang nhượng đất?

Núi Cấm trong dãy Thất Sơn của An Giang rộng hơn 3.400 ha, cao hơn 700 m được biết đến như một nơi nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh. Nơi đây cũng đã được quy hoạch làm khu du lịch và huyện Tịnh Biên đã cấm việc sang nhượng đất đai, xây cất trái phép. Tuy nhiên, núi vẫn đang bị “xẻ thịt”.


Vừa chạy xe vào con đường nhựa của Khu du lịch Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) tôi khựng lại vì hai bảo vệ ngồi bên quầy bán vé yêu cầu: “Mua vé vô cổng”.


Móc ví 15.000 đồng mua vé, tôi chạy thêm chừng 300 m thì tiếp tục bị chặn lại: “Muốn lên đỉnh núi phải gửi xe, đi bằng xe hơi của Công ty Cổ phần Du lịch hoặc xe ôm của nghiệp đoàn, nếu không đừng hòng lên núi”.


Vô tư mua bán đất


Bấm bụng móc tiếp 35.000 đồng, tôi leo lên chiếc xe máy Trung Quốc cho anh xe ôm chở lên đỉnh núi. Thấy tôi lo lắng với đoạn đường dốc, loanh quanh, Thắng (chạy xe ôm) cười hì hì: “Đại ca yên tâm, ở đây tụi em chạy lên chạy xuống mỗi ngày cả chục lượt, không sao đâu. Xe tụi em đã được “độ” lại, máy mạnh như trâu, sên nhông dĩa thứ dữ để leo núi”. Thắng vô số, tăng ga, chiếc xe máy hùng hục lao lên núi như con ngựa chứng, máy rống vang rền khắp con đường dốc quanh co, một bên là vách đá núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút xanh mượt bóng cây rừng.


Lẩn trong tiếng máy xe chát chúa, Thắng thăm dò: “Đại ca lên núi làm gì, em dòm đại ca không phải người đi chùa”. Khi nghe tôi nói ý định lên núi tìm miếng đất dưỡng già vì đất trên núi rẻ, đi hú họa vì chưa biết có ai bán hay không, Thắng cười hăng hắc: “Trời, tưởng gì, em biết nhiều người đang kêu bán đất trên núi, em sẽ giới thiệu với đại ca”. Thắng tiếp: “Nếu đất mặt tiền đường lên đỉnh núi thì 120 triệu đến 150 triệu đồng/1.000 m2 tùy vị trí. Đất càng xa đường cái thì càng rẻ nhưng giá chót không dưới 70 triệu đồng/1.000 m2, đại ca muốn mua bao nhiêu cũng có”. Thắng còn cho biết đất núi hầu hết là đất rừng hoặc đất trồng cây ăn trái, nhiều đại gia, quan chức ở Tịnh Biên, Long Xuyên, TP.HCM và thậm chí Việt kiều bên Mỹ cũng tìm lên núi Cấm mua đất để làm “sơn trại nghỉ mát”, xây biệt thự. “Thậm chí nhiều người còn tìm mua đất để xây mộ phần vì thầy phong thủy nói chôn cất nơi “long mạch”, con cháu mãi mãi giàu sang, phú quý. Có người mua năm, bảy ngàn mét vuông, thậm chí mấy hecta…” - Thắng kể.


Nghịch lý trên núi Cấm - Bài 1: Ì xèo mua bán đất núi

Lô đất đẹp ở Vồ Thiên Tuế được mua bán lòng vòng, hiện rơi vào tay một cán bộ tỉnh An Giang đã về hưu. Ảnh: HÙNG ANH


“Nghe nói đất núi không có giấy đỏ, mua rồi làm sao có được giấy?” - tôi thăm dò. Thắng đáp ngay: “Bộ đại ca tưởng mấy ông đại gia, quan chức họ “điên tiền” hết hả? Cái gì thiên hạ cũng làm được đại ca ơi, cứ yên tâm, không mất tiền đâu mà sợ”.


UBND huyện cũng sang nhượng đất?


Khi đến ấp Thiên Tuế trên đỉnh núi Cấm, Thắng giới thiệu với mọi người là tôi đang tìm mua đất lập “sơn trại dưỡng già”, nhiều người dân nói: Dù Nhà nước đã có lệnh cấm nhưng mua bán đất núi vô tư.


Ông Phạm Văn Trác ở tổ 1 nói: “Ở đây không ai có giấy đỏ nhưng họ vẫn mua bán thoải mái và giao kèo là bên mua chịu trách nhiệm hợp thức hóa giấy tờ”. Ông dẫn tôi đi lòng vòng trong ấp, chỉ cho xem những lô đất núi đã thay ngôi đổi chủ và đã được hợp pháp hóa. Ông chỉ vào lô đất 4,2 ha nằm cạnh Vồ Thiên Tuế và cho biết: “Đây là đất của ông Sáu H., nguyên là cán bộ tỉnh An Giang, hùn vốn mua với ông Bảy L., sếp một ngân hàng”.


Nói lai lịch mảnh đất 4,2 ha, ông Nguyễn Văn Huê, một trong những chủ cũ của lô đất đang hành nghề xe ôm, kể vanh vách: “Năm 2006, một cán bộ Công an xã An Hảo đề nghị tôi và ông Trần Văn Thách bán 2 ha cho UBND huyện Tịnh Biên với giá 30 triệu đồng/1.000 m2 nhưng phải chi cho ông ấy 5 triệu đồng/1.000 m2 tiền công môi giới. Sau đó, ông Q. làm ở Văn phòng UBND huyện Tịnh Biên (lúc đó) gặp chúng tôi thì người công an xã nói trên yêu cầu chúng tôi ghi giá 35 triệu đồng/1.000 m2 trong tờ sang nhượng để họ bán lại cho huyện Tịnh Biên. Sau đó UBND huyện Tịnh Biên tiếp tục mua thêm hơn 20.000 m2 đất của một người dân, nhập thành 4,2 ha rồi bán cho Công ty Sao Mai An Giang. Công ty này tiếp tục bán cho ông Sáu H. và ông Bảy L. làm nhà hàng, khách sạn”.


Gần đó là lô đất rộng 2 ha của bà Ba M. đã bán nhưng cho đến nay vẫn không thấy bên mua khai phá xây dựng gì. Gần đây nhất, ông T., một đại gia trong ngành xuất khẩu cá tra ở An Giang, mua một lô đất rộng hơn 3 ha gần 4 tỉ đồng để làm trang trại. Ông Dũng “số đề” cũng mới bán một lô đất 8 x 15 m với giá 600 triệu đồng…


Chưa ai được cấp giấy đỏ


Tình trạng mua bán đất loạn xạ trên núi Cấm xảy ra đã nhiều năm nhưng mãi tới ngày 5-4-2011, UBND huyện Tịnh Biên mới có thông báo nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sang nhượng đất, chặt cây rừng, san lấp mặt bằng xây dựng trái phép. “Nhưng ai cấm mặc ai, tình trạng mua bán đất núi vẫn diễn ra công khai. Nếu những quan chức, đại gia, thậm chí cơ quan nhà nước không làm được giấy đỏ thì dại gì họ bỏ tiền trăm triệu, tiền tỉ ra để mua đất trên núi” - ông Trác nói.


Ngày 28-10, ông Nguyễn Thành Hầu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tịnh Biên, cho biết: “Đã nghe chuyện đại gia, cán bộ, cơ quan mua bán đất đai trên núi Cấm. Dân núi Cấm không ai có giấy đỏ vì theo quy định đất đồi núi trên độ cao hơn 30 m do kiểm lâm quản lý, giao cho dân trồng rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất, cấp sổ xanh, UBND huyện cấm mua bán”.


Tôi khẳng định chuyện mua bán đất đai trên núi Cấm là trái pháp luật, sai hoàn toàn, từ khi tôi nhận chức trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (năm 2008) đến nay chưa cấp giấy đỏ cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có đất trên núi Cấm.


Ông Nguyễn Thành Hầu, Trưởng phòng Tài nguyên
và Môi trường huyện Tịnh Biên

Theo Hùng Anh (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.