24/06/2014 9:16 PM
Chỉ còn gần một tuần nữa Luật Đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Để đưa đạo luật này đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 43/2014/NĐ-CP với những điểm mới quan trọng, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai.

Quy hoạch sử dụng đất tại Hải Phòng. (Ảnh: Thế Duyệt)

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nghị định 43 là "thước đo" quan trọng, góp phần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.

- Xin ông cho biết những điểm mới của Nghị định 43 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013 vừa được ban hành?

Ông Đào Trung Chính: Nghị định 43 quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013 trên cơ sở những đổi mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ.

Nghị định này đã bổ sung quy định việc công khai thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm sự minh bạch trong quá trình thực hiện, cũng như giảm phiền hà cho người dân. Cụ thể, Nghị định này quy định chặt chẽ trình tự thủ tục từ hồ sơ cho đến thời gian giải quyết vụ việc.

Đặc biệt, để góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn việc quy hoạch sử dụng đất, hạn chế dự án "treo," Nghị định 43 yêu cầu chủ đầu tư là phải ký quỹ và có đủ năng lực tài chính mới được phép tham gia làm dự án.

Về hình thức thủ tục, Nghị định bổ sung các quy định về hình thức đăng ký điện tử để làm cơ sở pháp lý cho thực hiện trong điều kiện công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển; giải quyết rốt ráo việc cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất.

Nghị định cũng bãi bỏ một số công việc không cần thiết như: bãi bỏ việc Uỷ ban Nhân dân xã xem xét xác nhận tranh chấp sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất (đất rừng, đất trồng lúa, đất ven sông-ven biển...).

- Nghị định 43 ra đời là hướng mở cho khu vực đất phi chính thức nhưng có ý kiến lo ngại một số trường hợp sai trái đang tồn tại sẽ được hợp thức hóa. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Đào Trung Chính: Trong năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hứa trước Quốc hội phấn đấu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận, đến nay cơ bản đã cơ bản hoàn thành trên 90%. Như vậy, gần 10% còn lại là chưa có giấy chứng nhận. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý thì Luật cũng không giải quyết được.

Do đó, nói Nghị định 43 ra đời là hướng mở cho khu vực đất phi chính thức sai trái hợp thức hóa là không phải. Chẳng qua là các trường hợp người ta sử dụng đất do không có sổ đỏ, nhưng nguồn gốc đất đã có từ lâu (từ đời ông,bà họ mua) thì cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.

- Không ít người băn khoăn, lo lắng Nghị định 43 giao quá nhiều quyền cho cấp xã, phường và dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu khi thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Đào Trung Chính: Tôi cho là không phải, mà ngược lại Nghị định còn hạn chế được những việc đã giao và quyền cho cấp xã. Hơn nữa, áp dụng Nghị định 43 chúng ta sẽ tăng cường trách nhiệm, báo cáo và giải trình của cấp xã và các cơ quan hành chính trong việc ra quyết định.

Tôi lấy ví dụ như áp dụng Nghị định 43, chúng ta sẽ hạn chế việc trước đây Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận tình trạng có tranh chấp hay không tranh chấp dẫn tới tình trạng "mập mờ" thông tin thì lần này không có.

Hay như lần này, Nghị định quy định kế hoạch sử dụng đất của cấp xã nằm trong quy hoạch của cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện thì phải được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua trước khi Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Việc này sẽ đảm bảo được tính minh bạch trong quá trình triển khai, thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

- Từ ngày 1/7/2014, Nghị định 43 sẽ chính thức có hiệu lực, vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung, Tổng cục Quản lý đất đai nói riêng đã chuẩn bị như thế nào để các địa phương thực hiện đúng lộ trình, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Luật Đất đai 2013 là đạo luật rất quan trọng. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về giá đất; và Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Theo kế hoạch, các Nghị định này sẽ có hiệu lực cùng với Luật Đất đai 2013. Hiện nay, Bộ cũng đã ban hành xong 6 Thông tư có hiệu lực thi hành cùng với Luật Đất đai. Riêng đối với một số thông tư mang tính chất kỹ thuật, không đòi hỏi cấp thiết phải ban hành ngay, chúng tôi cũng phấn đấu ban hành sớm trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, cử cán bộ về với địa phương để đối thoại với dân, cũng như hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trước thời điểm đạo luật này đi vào cuộc sống từ ngày 1/7/2014./.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.