Từ năm 2003, khu tái định cư Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong - Nghệ An) đón 146 hộ dân người Mông và Khơ Mú ở 8 bản giáp biên giới xã Tri Lễ xuống định cư. Nhưng chỉ sau 3 năm, họ lại rủ nhau về bản cũ vì không thể "an cư lạc nghiệp" ở Minh Châu.

Nghệ An: Khu tái định cư bị bỏ hoang

Anh em Xồng Giống Tủa phải tự chăm sóc nhau khi không có bố mẹ ở cùng.


Không thể an cư


Năm 2002, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án khu tái định cư Minh Châu với các hạng mục công trình: quy hoạch dân cư, làng bản theo kiểu mới, khai hoang ruộng nước, đất màu; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, nhà tắm, đường giao thông nội vùng, cầu cống nhỏ, trường học, làm kênh dẫn nước... Mỗi hộ dân định cư được chia đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ tiền làm nhà, nhưng những bất cập và sự thiếu đồng bộ khi thực hiện dự án đã khiến người dân không an cư cũng chẳng thể lạc nghiệp. Từ năm 2006, các hộ dân rục rịch trở về bản cũ.


Vừa đặt chân đến khu tái định cư Minh Châu, tôi đã cảm nhận được sự vắng vẻ khác thường. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều cửa đóng then cài, vườn tược bỏ không, chuồng trại trống trơn. Đi một vòng quanh bản D1 thi thoảng mới thấy có nhà mở cửa, trong nhà chủ yếu là người già, trẻ em.


Trưởng bản D1 Xồng Bá Cha cho biết: "Hiện, chỉ còn 50 hộ ở lại nhưng cũng chỉ có 30 hộ có đủ vợ chồng con cái, còn 20 hộ khác chủ yếu chỉ có con cái ở để đi học cho gần, lao động chính đều trở về bản cũ. Mỗi tuần họ xuống núi tiếp tế lương thực cho con một lần". Tôi hỏi tại sao người dân lại không ở khu tái định cư, vị trưởng bản giải thích: "Ở đây không sống được. Nhà nước chia cho ruộng và vườn nhưng không trồng cấy được. Người dân không có ăn, phải quay về bản cũ làm nương. Ngay cả vợ chồng mình cũng phải sống dựa vào ông bà ở bản cũ. Hết gạo là mình phải về nhà ông bà chở xuống".


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết căn nguyên của tình trạng trên là do nơi đây không có nước sản xuất. Trong quy hoạch, dự án khu tái định Minh Châu đã san lấp 40ha đất hoang hóa làm đất canh tác lúa nước, chia cho các hộ dân. Tuy nhiên 7 năm nay, diện tích đất này chưa cho một hạt thóc nào. Bà con thử nghiệm trồng ngô nhưng cũng trắng tay. "Nhà nước đã xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước tới ruộng, hiềm nỗi mương xây thấp hơn chân ruộng nên nước không vào được. Thậm chí nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, chỉ có trong năm đầu. Đến bây giờ, cả 21 bể chứa nước đều hỏng", anh Cha cho biết.


Thấp thỏm chờ nước


Theo anh Cha, để người dân yên tâm định cư ở Minh Châu, Nhà nước cần đầu tư đồng bộ từ quỹ đất sản xuất, nguồn nước đến hệ thống thủy lợi, đường, trường, trạm, trong đó quan trọng nhất là phải có sinh kế bền vững cho người dân và điều cần làm ngay là phải có nước sản xuất.


Về vấn đề này, ông Lô Xuân Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: "Năm 2010, dự án thủy lợi cho khu tái định cư Minh Châu đã được đầu tư làm lại với số vốn 21 tỉ đồng, đưa nước từ đập Kẽm Ải về ruộng của bà con. Tháng 1/2011, công trình đã hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa có động thái nào cho thấy người dân 8 bản giáp biên có ý xuống núi về định cư ở Minh Châu".


Theo lãnh đạo xã Tri Lễ, việc vận động người dân về định cư ở Minh Châu cần có thời gian, phải giúp bà con quen với môi trường, tập quán sản xuất mới. Điều khiến chính quyền xã phân vân là quỹ đất trồng lúa còn ít. Hiện tại, Minh Châu mới khai hoang được 40ha đất trồng lúa, còn khoảng 80ha diện tích đất hoang hóa nữa có thể cải tạo cấy lúa được, vấn đề là nguồn nước hiện có chưa đủ để cung cấp cho diện tích này bởi công trình đập Kẽm Ải ngoài việc cung cấp nước cho khu tái định cư Minh Châu còn phải cấp nước cho 120ha đất sản xuất lúa của các bản Đốn, Nóng 1, Lằm, Cắm… Chính vì vậy, đến bây giờ, người dân ở bản tái định cư Minh Châu vẫn đang thấp thỏm chờ nước.

Theo Bích Nguyên (KTNT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.