Hộ được đền bù 10 triệu đồng, hộ khác được 11 triệu đồng. Điều này khiến Dự án công trình thi công xả lũ sau tràn và đường quản lý đập Vệ Vừng bị ách tắc.
Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi chứa nước Vệ Vừng - Quán Hài tại huyện Yên Thành, Nghệ An đã hoàn thành vào năm 2010. Để đảm bảo công tác xả lũ sau tràn và có đường quản lý đập, đã phát sinh công trình thi công xả lũ sau tràn và đường quản lý đập Vệ Vừng (gói thầu 14).

Đơn vị trúng gói thầu này là Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại Miền Tây Nghệ An và đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An.

Theo kế hoạch, gói thầu này phải hoàn thành vào ngày 30/12/2010 (gần 4 tháng). Tuy nhiên, đến nay dự án đã thi công gần một năm và mùa mưa lũ đã về nhưng “nút thắt” của dự án này vẫn chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân là do công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho hai hộ ở sát cầu Đồng Thành chưa được giải quyết thỏa đáng nên người dân không chịu di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Nghệ An: Cần giải pháp hợp lý cho người dân khi thu hồi đất
Những căn nhà

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo PL&XH, hai hộ sát cầu này là hộ ông Nguyễn Quang Hoè và ông Phan Xuân Chất. Cả hai hộ này đã được chính quyền địa phương đồng ý bằng văn bản cho phép xây ki-ốt kinh doanh vào năm 1992 trên đất đê kênh xả lũ gần cầu.
Các hộ này kinh doanh và sinh hoạt bình thường trên khuôn viên đất và hàng năm đóng thuế đầy đủ cho địa phương. Thế nhưng khi thực hiện dự án, chính quyền địa phương và chủ đầu tư không có phương án đền bù hay hỗ trợ phần trên đất cho 2 hộ này khi giải phóng mặt bằng. Thay vào đó, UBND xã gọi hai hộ này lên nhận tiền hỗ trợ. Với 180m2 nhà và ki-ốt kinh doanh, ông Hòe được hỗ trợ 10 triệu đồng, ông Chất 11 triệu đồng cho 200m2 nhà kiên cố và ki-ốt kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoè và ông Chất đều cho rằng: Số tiền trên chỉ đủ để tháo dỡ, còn bây giờ chúng tôi lấy đâu ra tiền để tái định cư chỗ khác. Ông Hoè nói: Tôi là thương binh nặng 1/4, sau khi trở về địa phương không có đất đã viết đơn xin UBND xã xây dựng ki-ốt kinh doanh kiếm thêm nuôi con ăn học. Chúng tôi sẵn sàng di dời để làm công trình công cộng nhưng phải có chính sách đền bù, hỗ trợ hợp lý cho chúng tôi. Hỗ trợ như thế thiệt thòi cho chúng tôi quá.

Nghệ An: Cần giải pháp hợp lý cho người dân khi thu hồi đất
và ki-ốt này chỉ được đền bù 10 - 11 triệu đồng khi giải tỏa

Ông Hồ Ngọc Mai, Trưởng ban Quản lý dự án khẳng định: Trong dự toán không có phần đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phần kinh phí này do địa phương chịu trách nhiệm.
Thế nhưng UBND huyện Yên Thành lại cho rằng, kinh phí đền bù, hỗ trợ là của chủ đầu tư, huyện không có kinh phí để hỗ trợ cho dân.

Như vậy “quả bóng” hỗ trợ, đền bù để giải phóng mặt bằng được chủ đầu tư và chính quyền địa phương đá đi đá lại? Trong khi đó, dự án đang chờ dân và dân lại chờ giải quyết hợp tình hợp lý trong khi mùa mưa lũ đã về?

Đề nghị chủ đầu tư và chính quyền địa phương sớm thống nhất và có giải pháp hỗ trợ, đền bù hợp lý cho người dân để không ảnh hưởng tới toàn bộ dự án.
Theo Phan Lâm (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.