Dù chưa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Luật Nhà ở sửa đổi và đi vào thực tế, nhưng đã tạo lên hy vọng cho những cán bộ công nhân viên chức (gọi chung là viên chức) vốn khao khát sở hữu một căn nhà cho riêng mình từ nhiều năm nay.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được Bộ Xây dựng công bố để lấy ý kiến có nội dung thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở (NHTKNO). Theo dự kiến, ngân hàng này là tổ chức tín dụng hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở nhằm cấp vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm tại ngân hàng vay để mua nhà ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có.

Công chức bao giờ mua được nhà

Trước hết, xin đề cập tới đối tượng công chức có thâm niên công tác dưới 10 năm tại địa bàn Hà Nội (cũng là lượng có nhu cầu sinh sống, cư trú ổn định ở Thủ đô chiếm tỷ lệ cao nhất trong nguồn cầu thị trường nhà ở). Trong đó, đa phần là các cặp vợ chồng trẻ ở nhà thuê, sắp sinh con đầu lòng với tổng mức thu nhập trung bình từ 12-14 triệu đồng/tháng.

Trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà,… mỗi tháng gia đình dạng này chắt bóp hết cỡ để ra được 2 triệu đồng. Như vậy, nhiều cặp vợ chồng công chức phải tằn tiện trong 20, thậm chí ngót 30 năm mới mua được một căn chung cư thương mại như hiện nay (trong điều kiện tương quan mức giá BĐS và lương của công chức tăng tỷ lệ thuận). Trừ khi kinh doanh riêng, được người thân giúp đỡ tài chính, hoặc… trúng xổ số, những đối tượng này mới mong sở hữu được một căn nhà.

CBCNVC luôn gian nan một chốn an cư tại đô thị

Thực tế đó khiến nhiều công chức buộc phải tìm tới nhà thu nhập thấp nằm trong gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ như một cứu tinh duy nhất. Tuy nhiên, dù có là nhà thu nhập thấp, một cặp vợ chồng mỗi tháng cũng phải thu nhập trên 20 triệu mới khả thi cho phương án này.

Cụ thể, viên chức được vay tối đa 80% giá trị nhà, với lãi suất 6%, trong 10 năm. Như vậy mua 1 căn nhà thu nhập thấp giá 1 tỷ đồng, người mua phải có 200 triệu và vay 800 triệu, họ phải dành khoảng 11 triệu đồng cho tiền lãi ngân hàng hàng tháng. Trong khi đó, "quỹ lương" eo hẹp của gia đình trẻ còn phải gánh thêm tiền ăn uống, học hành, sữa cho con, ma chay, hiếu hỉ, bệnh tật hoặc rủi ro từ công việc,… Trường hợp xấu nhất, bị mất việc, thu nhập mất đi 50%. "Nếu NHTKNO được thành lập theo hướng Bộ Xây dựng đề xuất, rất có thể đây sẽ là cơ hội bất ngờ của những gia đình trẻ như chúng tôi", anh Lâm, một công chức ngành viễn thông ở Q.Đống Đa (Hà Nội) nói.

Hy vọng mang tên ngân hàng

Còn nhớ, ý tưởng thành lập và đưa vào áp dụng trong thực tế thị trường những mô hình dạng quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng ấp ủ từ năm 2010 đến nay. Mới nhất là NHTKNO trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Suốt 3 năm qua, các ý tưởng nêu trên của Bộ Xây dựng đều hướng tới đáp ứng nhu cầu nhà ở thiết yếu của hơn 9 triệu người lao động hưởng lương. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, "Tính như vậy để những người có thu nhập trong mức này nên từ bỏ giấc mơ mua nhà ở Hà Nội để chuyển sang tính chuyện đi thuê nhà ở sẽ phù hợp với thực tế hơn. Giá BĐS đang quá cao, ai cũng muốn có nhà quả là một điều quá khó. Chỉ có một cách hiệu quả nhất để giải quyết bất cập trên là phải sớm lập các quỹ tiết kiệm nhà ở".

Thế nhưng, cho đến nay, các mô hình này, đặc biệt là Quỹ tiết kiệm Nhà ở do Bộ Xây dựng khởi xướng, vẫn chưa thể đi vào cuộc sống với quá nhiều bất cập và thiếu tính khả thi. Theo đó, tính chất chung của Quỹ tiết kiệm nhà ở là tự nguyện đóng góp của người tham gia với tỷ lệ 1% tiền lương. Quả thực, ngay khi đưa ra đề xuất về dạng tổ chức tín dụng này, rất nhiều viên chức (những người có nhu cầu mua nhà) rất mừng và khấp khởi hy vọng về căn nhà mơ ước. Tuy nhiên, giá trị 1% tiền lương góp vào quỹ lại quá thấp so với tình hình giá nhà thực tế vốn rất cao từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, trước yếu tố lãi suất, tính khả thi của quỹ giảm đi đáng kể: lãi suất huy động của ngân hàng thương mại thường ở mức 14%/năm, lãi suất của quỹ chỉ ở mức 3 – 5%/năm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng như chính đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ luôn hồ nghi về tính minh bạch và rõ ràng trong quá trình hoạt động và điều hành quỹ. Thay vì được thiết lập theo quy mô địa phương, quỹ lại tồn tại ở quy mô Quốc gia, nên khả năng giải ngân, hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ cho người có nhu cầu hợp pháp gần như là không thể.

Lần này, Bộ Xây dựng tiếp tục theo đuổi mô hình tín dụng nhà ở cho người có nhu nhập hưởng lương. Cụ thể chi tiết về nguyên lý hoạt động, cách thức quản lý, đơn vị chủ quản, phương án thu hút vốn và cho vay vẫn chưa được công khai, phê duyệt từ Chính phủ. Tuy nhiên, mục tiêu xã hội hóa nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng viên chức, sẽ chỉ thành công nếu các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc từ những ý tưởng đã "chết yểu" từ vài năm qua. Đảm bảo tính minh bạch trong mọi hoạt động và niềm tin từ cộng đồng, việc huy động vốn và hiệu quả thực tế của Quỹ tiết kiệm nhà ở (hay NHTKNO) chắc chắn sẽ khả thi.

Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.