01/03/2013 11:40 PM
Luật Đất đai mới hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tràn lan như hiện nay

Đó là tư tưởng chủ đạo được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với nội dung giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tổ chức tại TPHCM ngày 1-3.


Dự án cầu Bình Triệu 2 (TPHCM) chậm tiến độ một phần do vướng đền bù giải tỏa. Ảnh: TẤN THẠNH

Chỉ Nhà nước thu hồi đất

Đại diện nhiều tỉnh, thành phía Nam đều cho rằng việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận như hiện nay không hiệu quả vì người dân thường đòi rất cao, dẫn đến tình trạng bế tắc, dự án “treo” nhiều năm liền. Vì thế, theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - TPHCM, nên để Nhà nước đứng ra thu hồi đất rồi giao cho chủ đầu tư.
Nếu ngân sách có hạn thì đề nghị chủ đầu tư ứng trước nhưng phải đồng đều một giá. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng Luật Đất đai mới hướng đến cơ chế Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tạo quỹ đất sạch để giao - cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng.
Để hạn chế tình trạng “ôm” đất dự án, dự luật còn “tuyển” nhà đầu tư khá chặt chẽ: nhà đầu tư phải có năng lực tài chính (thông qua kiểm toán, có ký quỹ, các dự án đang triển khai trên địa bàn không vi phạm pháp luật…); các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải thông qua HĐND tỉnh, TP quyết định thu hồi đất. Trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại.
Một điểm đặc biệt nữa là đất lúa, rừng, đất giáp ranh phải qua thông qua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tránh tình trạng nhiều khu vực “nhạy cảm” bị chuyển đổi mục đích tràn lan như thời gian qua.

Giá đất: Áp kiểu nào cũng không ổn!

Giá đất là một trong những điểm mấu chốt của dự án nhưng hiện nay, bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30% - 60% giá thị trường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, nhiều địa phương đang sử dụng cụm từ “sát giá thị trường trong điều kiện bình thường” nhưng thị trường ở Việt Nam hiện nay là thị trường “ngầm” nên để chuyển qua giá thị trường cần thêm một thời gian nữa.
Dự luật định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất… Và theo nguyên tắc, các thửa đất liền kề nhau, có cùng điều kiện kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, mục đích sử dụng, thời điểm định giá thì có mức giá như nhau. Bên cạnh đó, đa số các địa phương ủng hộ bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành (5 năm/lần) chỉ nên dùng để tính tiền sử dụng đất, thuế - phí, áp dụng thi hành án…
Còn tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất… thì được UBND tỉnh quyết định giá cụ thể bằng các phương pháp định giá đất nhưng không được thấp hơn bảng giá đất. Tuy nhiên, theo các địa phương, việc áp giá tại thời điểm Nhà nước thu hồi vẫn không ổn.
Ông Trường đưa ví dụ: Dự án khu Nam TPHCM được Chính phủ ra quyết định thu hồi đất từ năm 1996 nhưng mới tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng những năm gần đây nên không thể áp giá theo năm 1996. Chưa kể, từ thời điểm thu hồi đến thời điểm ra quyết định bồi thường còn phải trải qua một giai đoạn kiểm đếm, dẫn đến khi ban hành quyết định bồi thường thì giá đã lạc hậu.
Đất thuần nông mới được hỗ trợ?

Hội thảo cũng tập trung bàn nhiều về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 69/2009/NĐ-CP (Nghị định 69) quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận cho rằng điều 21 của nghị định sửa đổi tiến bộ ở chỗ chống việc mất đất, tạo điều kiện việc làm cho người dân nhưng chính điều này làm trở ngại việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt vùng đô thị. “Việc phân biệt người trực tiếp sản xuất nông nghiệp với công chức tạo sự phản ứng từ giới công chức. Họ có lương thấp, họ cũng mua đất để sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện đời sống bằng cách cho thuê lại để sản xuất nông nghiệp, như vậy cũng phải được hỗ trợ bằng 25%” - vị này đề xuất. Bên cạnh đó, khoản 2, điều 21, Nghị định 69 quy định đất trong nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, khu dân cư khi thu hồi, ngoài bồi thường sẽ được hỗ trợ 20% - 50% giá đất trung bình khu vực có đất bị thu hồi. Nhưng nghị định sửa đổi đã bỏ khoản này. Như thế, sẽ thiệt thòi cho người dân thuộc diện này, nhất là đối với các tỉnh, thành đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, các địa phương kiến nghị giữ khoản 2, điều 21.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết việc quy định đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được hỗ trợ để tránh tình trạng “đầu cơ” đất nông nghiệp, tức những người không sống nhờ vào nông nghiệp mà chỉ đón đầu dự án sẽ không được hỗ trợ. Về việc giữ khoản 2, điều 21, Thứ trưởng Hiển đề nghị Tổng cục Đất đai tham vấn tất cả các địa phương. Đến ngày 15-3, các địa phương có ý kiến về các vấn đề xung quanh dự luật và dự thảo nghị định gửi về Tổng cục Đất đai để tổng hợp, trình Chính phủ.

Thu Sương (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.