- Thưa Ông, các quy định về hoạt động đấu thầu hiện hành đưa ra nhiều yêu cầu đối với nhà thầu song nhiều tồn tại trong hoạt động đấu thầu thời gian qua lại bắt nguồn từ sự yếu kém của Ban quản lý dự án là bên mời thầu?
PCT Phạm Sỹ Liêm: Trong các quy định đấu thầu hiện hành liên quan đến các gói thầu xây lắp trong xây dựng, Luật Đấu thầu đưa ra rất nhiều quy định yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng nếu muốn dự thầu. Trong khi đó, các quy định trong hoạt động đấu thầu chưa làm rõ được trách nhiệm của bên mời thầu là Ban quan lý dự án đã chuẩn bị đủ tài chính chưa? Đã chuẩn bị được mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công hay chưa? Đã đầy đủ thiết kế chưa?... Trong nhiều trường hợp, các nhà thầu xây lắp sau khi trúng thầu chưa thể triển khai thi công bởi vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Cụ thể, mặc dù hợp đồng đã được ký kết nhưng vẫn chưa có mặt bằng thi công hoặc quá trình thi công phải tạm dừng vì một số vị trí không giải phóng được mặt bằng theo tiến độ, gây khó khăn rất lớn cho nhà thầu. Từ đó kéo theo tiến độ thi công phải kéo dài, rất nhiều thủ tục kéo theo do phải bổ sung điều chỉnh dự án. Tôi cho rằng, các quy định về hoạt động đấu thầu cần cân bằng các quy định, yêu cầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Hơn nữa, đấu thầu là một nghiệp vụ, vì vậy, cần phải do những người chuyên nghiệp, nắm vững về nghiệp vụ thực hiện. Ở nước ta, thời gian qua tồn tại tình trạng các chủ dự án lập ra Ban quan lý dự án đảm nhiệm công việc này. Vấn đề đặt ra là Ban quản lý dự án này có thực sự chuyên nghiệp hay không? Đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức đấu thầu hay chưa? Thực tế nhiều dự án Ban quản lý không có đủ tính chuyên nghiệp, khi thực hiện thì “lúng ta lúng túng”, gây thiệt thòi cho nhà thầu.
- Ông vừa nhắc đến tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu thầu. Vậy, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu bằng cách nào?
PCT Phạm Sỹ Liêm: Theo tôi, nên thành lập 3 Trung tâm giao dịch xây dựng tại ba miền của đất nước. Khi đó, các dự án đầu tư công trên địa bàn miền nào sẽ đến thuê Trung tâm giao dịch dây dựng của khu vực đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Chủ đầu tư, chủ dự án sẽ làm nhiệm vụ giám sát xem các Trung tâm giao dịch xây dựng này có thực hiện đúng theo luật định hay không. Các Trung tâm giao dịch xây dựng là đơn vị cung cấp dịch vụ, hoạt động chuyên nghiệp, dưới dự quản lý của Nhà nước do Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý trực tiếp. Những Trung tâm này cũng sẽ có bộ phận chuyên nghiệp tiến hành hậu kiểm sau đấu thầu để kiểm tra, giám sát xem nhà thầu có thực hiện đúng các quy định về tiến độ, công nghệ, kỹ thuật… như hợp đồng ký kết hay không.
Các Trung tâm giao dịch xây dựng độc lập nếu được thành lập sẽ tách bỏ được sự tương tác trực tiếp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, từ đó có thể hạn chế và chấm dứt các tiêu cực trong hoạt động đấu thầu hiện nay như hiện tượng thông thầu, "quân xanh quân đỏ". Lực lượng công an kinh tế cũng có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát và phanh phui các tiêu cực, các hoạt động “đi đêm” của nhà thầu và chủ đầu tư.
- Còn tính chuyên nghiệp của các Ban quản lý dự án thì như thế nào, thưa Ông?
PCT Phạm Sỹ Liêm: Thực tế, có một số chủ đầu tư có thể tìm ra được một số người có kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu phân công vào Ban quản lý dự án; nhưng cũng có nhiều đơn vị, những cá nhân được lựa chọn vào Ban quản lý các dự án đầu tư công không có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này.
Tôi cho rằng, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Luật hiện hành của Trung Quốc quy định các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở một hạn mức nhất định thì bắt buộc phải thuê tư vấn quản lý chứ các đơn vị chủ đầu tư không được trực tiếp quản lý. Bởi quản lý dự án là một bộ môn khoa học, đòi hỏi có kiến thức chuyên ngành. Chẳng hạn, trong trường hợp nhà thầu có những sáng kiến cải tiến trong quá trình thi công, rút ngắn thời gian, tiết kiệm vật liệu và vẫn bảo đảm tất cả các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật của công trình so với bản thiết kế trước đó. Vậy khi nhà thầu làm lợi như vậy thì có được áp dụng không, và cơ chế khuyến khích động viên như thế nào? Nhiều trường hợp người quản lý dự án không có chuyên môn không dám quyết định. Ngoài ra, trong thực hiện dự án, nhà thầu thường gặp nhiều vấn đề phát sinh như phát hiện ra sự sai sót trong thiết kế. Nếu như quản lý dự án mà lơ mơ, không có chuyên môn lại đi hỏi, đi giải trình, xin ý kiến thì không biết khi nào mới giải quyết được vấn đề. Quản lý dự án cần phải là người chuyên nghiệp.
Tóm lại, hoạt động đấu thầu phải được thực hiện bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Các đơn vị quản lý, tổ chức, tư vấn, giám sát và tổ chức đấu thầu đều là những đơn vị chuyên nghiệp; khi làm việc với nhau sẽ bảo đảm được thời gian, tiến độ cũng như chất lượng công trình. Đồng thời, cơ chế này cũng bảo đảm sự minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu và hậu đấu thầu, tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Cần phải nói thêm, chủ đầu tư dự án và nhà thầu Việt Nam hiện chưa có thói quen sử dụng tư vấn luật, trong khi đây là thói quen phổ biến trên thế giới. Để công tác đấu thầu thực hiện hiệu quả, thì nên thu hút lực lượng tư vấn luật vào trong quá trình đấu thầu. Đây cũng sẽ là hình thức để đưa pháp luật vào cuộc sống.
- Thực trạng nhiều nhà thầu năng lực kém nhưng đưa ra giá thấp để trúng thầu khiến nhiều dự án chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng là do phương thức lựa chọn nhà thầu hiện hành có vấn đề, thưa Ông?
PCT Phạm Sỹ Liêm: Xưa nay nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi “đấu thầu hay đấu giá” khi mà phương thức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đấu thầu hiện hành thiên về việc lựa chọn các nhà thầu đưa ra giá thấp nhất. Phải thấy rằng, giá thấp nhất thì chất lượng cũng sẽ thấp nhất. Theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi tham gia gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc gói thầu hỗn hợp, mua sắm hàng hóa, xây lắp quy mô lớn, phức tạp được sửa theo hướng yêu cầu nhà thầu phải nộp hai túi hồ sơ, trong đó một hồ sơ đề xuất kỹ thuật và một hồ sơ đề xuất tài chính. Sau khi đóng thầu, chủ đầu tư trước hết mở túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật để đánh giá. Nhà thầu khi vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật sẽ được mở tiếp hồ sơ đề xuất tài chính để đánh giá về tài chính và xếp hạng nhà đầu tư. Đối với trường hợp gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao thì chỉ mở đề xuất về tài chính của nhà thầu đáp ứng số điểm kỹ thuật tối thiểu theo quy định và đạt số điểm kỹ thuật cao nhất để xem xét, thương thảo.
Tôi hoan nghênh sự sửa đổi này. Phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư với hai túi hồ sơ này sẽ khắc phục tình trạng các nhà thầu năng lực kém nhưng lại đưa ra giá bỏ thầu thấp để trúng thầu, dẫn tới dự án không bảo đảm về tiến độ cũng như chất lượng công trình, được dư luận nhắc nhiều thời gian qua.
- Theo ông, có nên mở rộng danh mục các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu hay không?
PCT Phạm Sỹ Liêm: Tôi cho rằng, chỉ nên áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư công có giá trị nhỏ. Còn đối với các dự án có giá trị lớn thì nhất thiết phải tổ chức đấu thầu. Trừ các gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia, liên quan đến quốc phòng - an ninh; gói thầu cấp bách khắc phục thiên tai, địch họa.
- Xin cám ơn Ông!