Việc giãn tiến độ thi công, chậm bàn giao nhà tại nhiều dự án bất động sản đã và đang là phương cách được nhiều chủ đầu tư tận dụng để giành phần lợi cho mình.
“Né” giao nhà để trục lợi

Ảnh: Minh họa Corbis

Theo hợp đồng mua bán căn hộ ký với khách hàng, ngày 30/6/2011 là thời hạn mà chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam phải bàn giao căn hộ tại Dự án Chung cư EuroLand, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Nhưng đến nay, Công ty TSQ vẫn chưa bàn giao căn hộ và cũng chưa đưa ra thời hạn chính thức bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Nguyên nhân là vì theo tính toán, với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng khiến việc tìm kiếm khách hàng mới khó khăn, còn sức ép tỷ giá VND/USD về cuối năm ngày càng lớn, nên chủ đầu tư càng chậm giao nhà thì càng có lợi.


Chậm giao nhà, chậm thu tiền đã và đang là cách để chủ đầu tư thu thêm khoản tiền chênh lệch tỷ giá của khách hàng đã đặt mua căn hộ tại Dự án này. Khoản chênh lệch tỷ giá này cao hơn nhiều so với mức lãi suất mà chủ đầu tư phải trả cho khách hàng (do bị phạt hợp đồng).


Cụ thể, theo quy định của hợp đồng, khách hàng phải hoàn thành thanh toán tiền nhà đợt 4 vào quý IV/2010. Nhưng đến tận ngày 15/5/2011, TSQ Việt Nam mới gửi thông báo để khách hàng nộp 20% tổng giá trị căn hộ theo quy định của hợp đồng bán căn hộ (từ ngày 1/6 đến hết 10/6/2011), chậm ít nhất hơn 5 tháng so với quy định của hợp đồng.


Ngay sau khi nộp tiền, một số khách hàng đã được TSQ Việt Nam yêu cầu nộp bổ sung khoản tiền do chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm thanh toán đợt 4 với thời điểm ký hợp đồng. Công ty TSQ Việt Nam áp dụng tỷ giá do đơn vị này quy định tại thời điểm thanh toán đợt 4 là 20.600 VND/USD (trong khi tỷ giá VND/USD ngày 31/12/2010 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 19.495 VND/USD theo hình thức mua chuyển khoản).


Chỉ riêng động thái này của chủ đầu tư đã khiến số tiền mà khách hàng phải nộp cho Công ty tăng lên từ hàng chục triệu đồng tuỳ theo diện tích căn hộ mà lẽ ra, khách hàng có thể tránh được nếu nộp từ quý IV/2010 theo hợp đồng ban đầu.


Câu chuyện của TSQ Việt Nam chỉ là một trong số vô vàn các “chiêu thức” của chủ đầu tư đánh vào túi tiền khách hàng mua bất động sản.


Mới đây, tại Dự án Tòa nhà SME Hoàng Gia, quận Hà Đông (Hà Nội), ông Nguyễn Cảnh Dinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Gia còn mạnh dạn tuyên bố rằng, ông cũng đang thích những người góp vốn vào dự án này rút vốn để ông bán căn hộ… cho người khác bởi giá bán những căn hộ đầu tiên mà đơn vị này bán cho khách hàng chỉ là 15,9 triệu đồng/m2. “Hiện các căn hộ tại Dự án này có thể bán được 19 - 20 triệu đồng/m2”, ông Dinh nói.


Nếu khách hàng rút vốn, chủ đầu tư Dự án SME Hoàng Gia sẽ trả lại khoản vốn góp với mức lãi suất 5%/năm và không chịu trách nhiệm về khoản tiền “chênh lệch” ngoài hợp đồng (với mức chênh lệch khoảng 100 triệu đồng/căn). Do đó, khách hàng phải cố gắng theo đuổi dự án. Còn về phía chủ đầu tư, trong điều kiện thị trường trầm lắng, việc tìm kiếm khách hàng mới là hết sức khó khăn, nếu có đẩy nhanh tiến độ dự án thì cũng không có thêm hợp đồng mua bán căn hộ mới được ký kết. Do đó, tận dụng nguồn vốn của những khách hàng cũ để đầu tư vào các khoản mục khác hoặc gửi ngân hàng hưởng lãi suất hàng tháng cũng là một “tuyệt chiêu” làm lợi cho doanh nghiệp.


Tại Dự án AZ Vân Canh Towers (Khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) là một ví dụ khác. Theo thông báo góp vốn của chủ đầu tư, Dự án đã được khởi công lần đầu tiên vào ngày 4/4/2010. Sau đó, chủ đầu tư đã bỏ dự án nằm bất động trong suốt 1 năm. Đến tháng 4/2011, khi những khách hàng đầu tiên đến đòi lại khoản vốn góp thì Công ty mới nhúc nhắc tiến hành các thủ tục thi công xây dựng dự án. Đến ngày 16/7/2011, AZ Land lần thứ 2 tiến hành khởi công dự án, nhưng đến nay, cũng không cam kết ngày hoàn thành dự án.


Với khoảng thời gian kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tuỳ theo các hợp đồng góp vốn, khoản vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng của khách hàng nằm trong tài khoản của chủ đầu tư cũng mang lại một khoản tiền lãi suất không nhỏ.
Theo Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.